Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược ANPTT phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Bộ Công an là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược ANPTT).
Thời gian qua, để xây dựng Chiến lược ANPTT, Bộ Công an đã giao Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Cục V04) là cơ quan giúp việc, trực tiếp tham mưu, dự thảo các văn bản của Ban Chỉ đạo để triển khai xây dựng Chiến lược này.
Theo đó, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược gồm 22 thành viên là lãnh đạo thuộc các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Công an là Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Công an là Cơ quan Thường trực. Ngày 21/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ký ban hành Kế hoạch số 240 về triển khai xây dựng Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Với phương châm tiến hành "khẩn trương, quyết liệt, đồng thời"; phương pháp tiến hành khoa học, sáng tạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã bám sát Kế hoạch số 240 tiến hành nhiều hoạt động để nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chiến lược và 11 kịch bản khung. Trong đó, Cơ quan Thường trực xây dựng Chiến lược đã chủ trì tổ chức 7 cuộc tọa đàm, 1 hội thảo khoa học; tổ chức 3 đoàn liên ngành khảo sát tại TP. Hải Phòng, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Cà Mau để đánh giá thực trạng tình hình và công tác phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống ở cả ba cấp là tỉnh, huyện, xã; tổ chức 2 đoàn khảo sát liên ngành tại Hà Lan và Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm quản lý và ứng phó với các thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ và thống nhất nhận thức về vấn đề an ninh phi truyền thống; xác định các mối đe doạ an ninh phi truyền thống đang nổi lên cần phải đưa vào Chiến lược; thống nhất hoàn thiện nội dung về các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Chiến lược để vừa bảo đảm tính tổng thể, bao trùm, vừa phản ánh tính đặc thù, chuyên ngành.
Các đại biểu cũng thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong dự thảo Chiến lược, nhất là các nhiệm vụ giải pháp cần ưu tiên, bảo đảm giải quyết được những vấn đề trọng tâm của Chiến lược này như cơ chế điều hành, huy động các nguồn lực để tổ chức công tác phòng ngừa, ứng phó với các đe doạ an ninh phi truyền thống.
Đồng thời, tham gia cụ thể với các dự thảo kịch bản khung, cả về kết cấu và nội dung, bảo đảm tính khoa học, tính pháp lý, sát thực tiễn để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa theo từng cấp độ ứng phó khi các sự cố, thảm họa xảy ra.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Kết luận Hội thảo, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược ANPTT đề nghị Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an tập trung nghiên cứu, tiếp thu để khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, sau đó tiếp thu, hoàn thiện, trình Đảng ủy Công an Trung ương cho ý kiến.
Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được phân công để đảm bảo tiến độ trình Chính phủ đúng thời hạn là trong tháng 12/2024. Đối với các bộ, cơ quan chưa gửi văn bản tham gia ý kiến trong 2 lần trước, đề nghị quan tâm, cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo trong lần xin ý kiến chính thức tới đây và khẩn trương gửi Bộ Công an để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Chiến lược trình Chính phủ theo đúng quy định.
Anh Thơ