Khai thông khả năng tiếp cận và khai thác các tài sản trí tuệ 

(Chinhphu.vn) - Quyền lợi của toàn bộ xã hội nói chung sẽ luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của dự án Luật Sở hữu trí tuệ, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.


 

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tỏi “Lý Sơn”. Ảnh: VGP


Số lượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng mạnh

Năm 2020, mặc dù bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, số lượng đơn đăng ký sáng chế, đăng ký nhãn hiệu, số lượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vẫn tăng mạnh.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), năm 2020, đơn vị đã tiếp nhận hơn 8.300 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, tăng khoảng 3,1% so với năm 2019. Trong khi số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam tăng 35% (1.505 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích năm 2020 so với 1.115 đơn năm 2019).

Kết quả, số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được kết thúc thẩm định nội dung (từ chối hoặc cấp bằng) là 7.155 đơn (tăng khoảng 16,1% so với năm 2019). Đặc biệt, số văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp năm 2020 tăng 57,3% so với năm 2019.

Về đăng ký nhãn hiệu, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu (bao gồm cả nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế) nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ năm 2020 tăng 1,6% so với năm 2019; số lượng đơn được kết thúc thẩm định nội dung (bao gồm cả nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế) tăng 9,7% so với năm 2019, trong đó số văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 16,2%.

Cũng trong năm 2020, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động nhưng số lượng đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được tiếp nhận và giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý được cấp đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 22 đơn và cấp 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tương tự các năm trước đây, cơ cấu sản phẩm các chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong năm vừa qua không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông nghiệp, không có sản phẩm chế biến.

Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm đều là các sản phẩm tươi sống, trong đó có 6 sản phẩm là hoa quả tươi (sầu riêng Cái Mơn, na dai Lục Nam, thanh long Châu Thành Long An, cam Hàm Yên, bưởi Khả Lĩnh, khóm Cầu Đúc), 03 sản phẩm thủy hải sản (tôm hùm Phú Yên, ba ba Văn Chấn, yến sào Khánh Hòa), còn lại các nông sản khác bao gồm gia vị, động vật tươi sống và gạo (tỏi An Thịnh, tỏi Lý Sơn, thảo quả Vị Xuyên, quế Trà Bồng, vịt Cổ Lũng và gạo Ba Chăm Mang Yang).

Các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý được nộp trong năm 2020 vẫn là các cơ quan hành chính nhà nước. Điều này cho thấy sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý vào quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn còn rất hạn chế.

Như vậy, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) (có hiệu lực vào ngày 01/08/2020) cũng đã mở ra “cơ hội vàng” cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu tại Liên minh châu Âu. Đồng thời, theo Hiệp định này, Việt Nam đã bảo hộ thêm 169 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

Công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn được Cục Sở hữu trí tuệ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội nói chung sẽ luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của dự án Luật Sở hữu trí tuệ (dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022), từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định trong Luật sẽ tạo hành lang pháp lý nhằm khai thông khả năng tiếp cận và khai thác các tài sản trí tuệ từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có các quy định về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền nhằm cải thiện các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các doanh nghiệp có thể xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn… Hay các quy định về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ hoặc về nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng giúp cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn.

Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ KH&CN ưu tiên, tập trung hỗ trợ hoạt động truy soát nguồn gốc, chất lượng, phát triển sản phẩm chủ lực địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo chuỗi giá trị, tăng cường hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ của Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới. Đổi mới căn bản cách tiếp cận, đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hoàng Giang

125 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 986
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 986
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76752442