Kết quả của hành trình nỗ lực bền bỉ, quyết liệt
Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán hiệp định EVFTA. Tháng 6/2012, Việt Nam và EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA. Sau khi kết thúc 15 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên khởi động tiến trình rà soát pháp lý chuẩn bị ký kết.
Tới tháng 6/2018, EVFTA được tách thành hai hiệp định là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời kết thức quá trình rà soát pháp lý. Tháng 10/2018, Uỷ ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA.
Ngày 30/6/2019, hai hiệp định này chính thức được ký kết tại thủ đô Hà Nội. Cuối cùng và là bước quan trọng nhất, ngày 12/2/2020, Nghị viên châu Âu đã phê chuẩn hai hiệp định còn dự kiến Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua ngày 20/5/2020.
Trong quá trình thúc đẩy và hoàn thành các thủ tục pháp lý, Việt Nam đã được Liên minh châu Âu ghi nhận và đánh giá rất cao. Trên truyền thông, ông Giorgio Aliberti – Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng: “Nghị viện phê chuẩn Hiệp định thương mại với kết quả lớn hơn kỳ vọng rất nhiều. Nó thể hiện rõ EU đã công nhận quá trình nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng quá trình cải cách này sẽ còn tiếp tục, tin vào mối quan hệ tốt đẹp giữa EU và Việt Nam, sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam”.
Còn ông Sven Simon – Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức khẳng định: “Việt Nam là đối tác lớn của châu Âu, là nước có triển vọng nhất trong khu vực ASEAN và châu Âu đã tìm được một đối tác đáng tin cậy trong khu vực này là Việt Nam”.
EVFTA và EVIPA được thông qua, Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ 2 trong ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới gồm 27 quốc gia, trong đó có nhiều nước là cường quốc kinh tế như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch… với quy mô GDP lên gần 18,3 nghìn tỷ USD, chiếm tỉ trọng 40% ngoại thương toàn cầu.
Ký kết EVFTA với Liên minh châu Âu là kết quả từ chỉ đạo quyết liệt của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; từ sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan và trực tiếp là Đoàn đàm phán trong suốt hơn 9 năm 5 tháng. Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí và bản lĩnh của một quốc gia quyết tâm vươn lên, góp phần quan trọng đưa “con tàu kinh tế” Việt Nam tăng trưởng, phát triển bền vững, tiến về phía trước.
Cơ hội khổng lồ
Theo những cam kết EVFTA, EU xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao..., EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Còn Việt Nam cam kết xoá bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất sang EU…
Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ… là rất đáng kể; đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng… EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030…
Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA còn tạo điều kiện rất tốt để Việt Nam và từng nước thành viên EU mở ra những cơ hội hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng nước, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào thực chất, bền vững..., đúng như Cao uỷ EU phụ trách thương mại Ph. Hogen khẳng định: EVFTA mang đến cơ hội khổng lồ cho cả hai bên.
Để phát huy tốt cơ hội
Cần lưu ý, EU là một thị trường có mức thu nhập cao, đồng thời cũng có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, EVFTA yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường…
Để tận dụng hiệu quả cơ hội, ứng phó với những thách thức đi kèm với EVFTA và EVIPA, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ những quy định, cam kết trong các Hiệp định. Nâng cao ý thức, trách nhiệm về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp định hướng sử dụng công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý môi trường và ý thức trong việc sử dụng đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý để đáp ứng những điều kiện về môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nhất là liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu.
Phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, thủy sản, lâm sản.
Cơ quan Nhà nước liên quan cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng để tiến vào thị trường EU. Phát triển công nghiệp phụ trợ, các ngành xuất khẩu mũi nhọn như dệt, may, da, giày, lắp ráp (như ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử), nông, lâm, thuỷ sản. Xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.
Các hiệp định này được thông qua, đi vào thực tiễn sẽ đánh dấu mốc đột phá mang tính chiến lược trên chặng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
TS. Lê Thế Cương
Học viện Chính trị CAND