Việc sạt lở không chỉ “ăn” đất sản xuất nông nghiệp, mà còn uy hiếp đến tính mạng của người dân, tài sản và các công trình hạ tầng kinh tế, di tích văn hóa lịch sử. Gần 600 hộ dân phải sống trong vùng nguy hiểm, và con số vẫn tăng lên hàng ngày...
Cuộc "rượt đuổi" chưa có hồi kết
Thôn Như Lệ ở xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là một trong những địa điểm có xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Bây giờ, cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, đất của người dân ở bên dòng sông Thạch Hãn bị “nuốt” đi một ít. Dần dần, một số hộ gia đình phải khăn gói đi dựng nhà ở nơi khác vì nhà bị sập, nước cuốn trôi.
Gia đình chị Ngô Thị Hồng (SN 1976, thôn Như Lệ) ở bên sông Thạch Hãn đã 19 năm. Ngày mới đến đây định cư, chị dựng ngôi nhà bên con đường dẫn vào UBND xã Hải Lệ. Ngay phía sau ngôi nhà là dòng sông, có nhiều cây cối rậm rạp. Nhưng sau đó, đất cứ tụt dần xuống dòng sông rồi ăn sâu, đến năm 2014 một trận lụt kéo trôi cả phần phía sau của ngôi nhà và kéo luôn cả một phần đất.
“Khoảng 4 mét đất đã bị sạt và lấn vào. Không có nơi cư trú nên cả gia đình cứ ở liều, rồi xin địa phương cho dời ngôi nhà ra sát đường. Nhưng ở chưa được bao lâu thì đất lại tiếp tục bị sạt, mấy chốc nữa mà mất cả nhà. Chúng tôi ở đây, cứ như đang tham gia một cuộc rượt đuổi ấy” – chị Hồng, nói.
Cách nhà chị Hồng mấy bước chân, cũng bắt gặp tiếng thở dài của anh Lê Quang Khanh (SN 1969) khi nói về tình trạng sạt lở đất. “Mỗi năm, đất nhà tôi sụt xuống sông khoảng hơn gang tay, từ lúc sống ở đây thì mất hơn 3 mét đất rồi” – anh Khanh, não nề. Ngồi ở cửa sổ ngôi nhà của anh Khanh, nhìn xuống phía dưới là sông Thạch Hãn, ở đó có một phần trước kia là đất thổ cư. Dù nước đã cuốn trôi đất, vẫn còn một số cây lớn bám trụ được, còn chơi vơi giữa dòng.
Dọc tuyến đường vào trung tâm xã Hải Lệ, có đến 60 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Trong đó, 25 ngôi nhà nằm trong diện nguy hiểm, cần được di dời và tới đây sẽ được di dời bởi nước sông Thạch Hãn đã nuốt gần như hết đất, nước “đuổi” vào tận bờ tường nhà bếp của mỗi gia đình. Hằng ngày, từng miếng đất thịt bị ăn từng mảng, rơi rớt xuống dòng sông rồi biến mất, để lại nỗi lo âu, phập phồng của từng con người ở ngay trong chính ngôi nhà của họ.
“Chúng tôi làm nhà, định cư ở đây trước. Nhưng rồi cũng phải bỏ mà đi, vì hà bá không chịu nhượng bộ. Nguyên nhân dẫn đến việc này, cũng do con người mà thôi. Nhìn ra đó là biết” – chị Hồng chỉ tay ra sau hè nhà, ở đó có tiếng máy chát chúa đang vang lên…
Cơ quan chức năng đến thì tàu khai thác cát... biến mất
Nói sau hè nhà cho xa xôi, chỉ cần nhìn qua cánh cửa sau gian bếp của nhà chị Hồng, đã thấy nhiều tàu hút cát đang hoạt động ở bên kia bờ sông. Từ khoảng 4h sáng đến 9h, việc khai thác cát diễn ra. Đặc biệt, có một số tàu hút cát ngang nhiên hút cát ở ngay sau lưng nhà – nơi đang diễn ra việc sạt lở nghiêm trọng. "Tàu hút cát được cấp phép hay không thì không rõ, nhưng chắc chắn hút thì sẽ bị sạt thôi" - chị Hồng, nói.
Vì lo lắng tàu hút cát sẽ “tiếp tay” cho việc sạt lở, nên người dân ở đây đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Gần đây nhất, vào cuối năm 2017, anh Lê Văn Phú (thôn Như Lệ) cùng 15 hộ dân ở đây đã ký vào đơn phản ánh tình trạng khai thác cát, gửi Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị. Sau đó, anh Phú nhận được hồi âm của nơi nhận đơn, rằng đã nhận được phản ánh và sẽ trả lời, nhưng đến nay vẫn lặng thinh.
“Chúng tôi đã ghi lại hình ảnh nhiều tàu hút cát hoạt động ở ngay địa điểm xảy ra sạt lở, ở sau lưng nhà và giữ lấy để làm bằng chứng. Việc hút cát như vậy chắc chắn sẽ làm tình trạng sạt lở nặng thêm. Vì vậy rất mong cơ quan chức năng xử lý dứt điểm” – anh Phú, phản ánh.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Chủ tịch UBND xã Hải Lệ, đơn vị đang khai thác cát ở phía bên kia của bờ sông bị sạt đã được cấp phép. “Đơn vị này khai thác cát không ảnh hưởng đến việc sạt lở mà sẽ nắn lại dòng chảy của sông Thạch Hãn!” – ông Lanh, khẳng định.
Còn những tàu khai thác cát ở ngay địa điểm sạt lở, theo ông Lanh một số hộ không phải ở địa phương này đã khai thác trộm, không có ý thức. Khi phát hiện các tàu hút cát này, địa phương đã báo công an và phối hợp để đẩy đuổi, nhưng “đến nơi thì các tàu hút cát đã đi mất!”.
Hầu hết, ở những nơi bị sạt lở tại Quảng Trị trên các sông Thạch Hãn, Bến Hải có diễn ra tình trạng khai thác cát. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện tượng sạt lở hầu như phát triển liên tục hai bên bờ sông chính của các hệ thống sông như Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma - Ô Lâu. Nơi sạt lở thấp nhất 0,5m - 1m/năm như bờ tả, hữu sông Thác Ma – Ô Lâu, sông Nhùng…; nơi cao nhất từ 4m - 5m/năm như bờ tả sông Thạch Hãn, tả sông Bến Hải.
Sạt lở bờ sông đã xâm thực sâu vào đất thổ cư và đất canh tác. Một số nơi do mất đất thổ cư phải di dời như các thôn Trung Yên, Tân Định (huyện Triệu Phong). Sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại khu dân cư 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố có nhân dân sinh sống hai bên bờ sông với tổng số hộ sống trong vùng bị ảnh hưởng là 2.364 hộ. Trong đó, số hộ hiện đang sống trong khu vực thực sự nguy hiểm, cách mép sông gần 20m là 597 hộ.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, đã yêu cầu Sở TNMT tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh và địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác cát sỏi trên các hệ thống sông; tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát sỏi trái phép. Đồng thời, những địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng phối hợp với các ngành liên quan thống kê các điểm sạt lở cần được khắc phục, báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ xem xét, giải quyết cũng như tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở.