Khai mạc phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

(ĐCSVN) – Phiên họp kéo dài trong 2,5 ngày, từ 10-12/12. Đây là phiên họp đầu tiên sau Kỳ họp thứ 6 và phiên họp cuối cùng của năm 2018.

Sáng 10/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 29.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, theo chương trình, Phiên họp 29 kéo dài trong 2,5 ngày, từ 10-12/12. Đây là phiên họp đầu tiên sau Kỳ họp thứ 6 và phiên họp cuối cùng của năm 2018.

Tại kỳ họp này, UBTVQH sẽ tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2019 của UBTVQH; Cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm. Cho ý kiến về thực hiện một số quy định của luật về chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

UBTVQH cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; Xem xét, quyết định việc bổ sung mua bù gạo dự trữ quốc gia, mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia.

Cũng tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2018; Xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2019 của UBTVQH và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của UBTVQH, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; Thông qua Nghị quyết ban hành quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị tài liệu đầy đủ, kịp thời, đảm bảo tiến độ, đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong các phiên họp tiếp theo. Để hoàn thành chương trình phiên họp đề ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên UBTVQH và các cơ quan quán triệt tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, xem xét toàn diện các khía cạnh, chuẩn bị tốt ý kiến phát biểu về các nội dung của phiên họp.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo đó, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tờ trình nêu rõ, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, xuất phát từ yêu cầu triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu của thực tiễn, có 03 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào Chương trình: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 03 dự án luật trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8).

Tiếp đó, UBTVQH nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị xây dựng luật hòa giải, đối thoại tại tòa án; Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.

Thẩm tra các Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, căn cứ vào yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2019 và các năm tiếp theo; trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội và ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của đại diện Chính phủ, Ủy ban Pháp luật kiến nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019 đối với 06 dự án. Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) đối với 03 dự án, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo quy trình tại một kỳ họp: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) đối với 02 dự án: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất với các nội dung trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước cũng như thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc rà soát kỹ các nội dung của các dự án luật, tiến độ thực hiện để bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần rà soát tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có quy định phù hợp.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đối với nhóm luật về tổ chức bộ máy thì Nghị quyết của Trung ương và Kế hoạch Bộ Chính trị đã xác định Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét sửa đổi bổ sung các luật đổi mới sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện từ 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Kế hoạch của Đảng Đoàn Quốc hội cũng thống nhất thực hiện theo tiến độ này.

Về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, UBTVQH tán thành với sự cần thiết để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và sẽ xem xét thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp nhưng nội dung chính sách cụ thể cần đánh giá tác động thêm và cân nhắc nội dung nào thuộc thẩm quyền để đưa vào luật.

Về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần phải bổ sung luật này vào chương trình, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu cuối năm 2019 để hoàn thiện thể chế, thu hút nguồn lực đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, UBTVQH tán thành với đề xuất đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình đồng thời đề nghị rà soát kỹ lưỡng để khi đưa ra thiết chế mới không làm chồng chéo các quy định hiện hành, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiêm quốc tế để vận dụng phù hợp./.

Kim Thanh

736 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 570
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 570
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87105797