Khai mạc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

(ĐCSVN) - Chiều 11/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 19.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 19 sẽ được tiến hành trong 3,5 ngày (từ 11-14/12) với nhiều nội dung quan trọng như: Tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016 - 2020; cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; cho ý kiến về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

UBTVQH cũng sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020 tại một số nước…

Đánh giá Phiên họp diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên UBTVQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc; tham dự đầy đủ, nghiên cứu và có ý kiến vào các nội dung tại Phiên họp lần này.

Hiệu quả và thực quyền hơn

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã xem xét báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho biết, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3.903 đại biểu, giảm 4 đại biểu so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 637 đại biểu hoạt động chuyên trách (chiếm 16,32%) tăng so với nhiệm kỳ trước.

Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến hết tháng 6/2017, HĐND các tỉnh đã tổ chức từ 3-6 kỳ họp, ban hành 3.803 nghị quyết, trong đó có 935 nghị quyết về công tác tổ chức, 1.839 nghị quyết chuyên đề và 1.029 nghị quyết khác; công tác rà soát nghị quyết được chú trọng; hoạt động thẩm tra các dự thảo nghị quyết, đề án, tờ trình của các Ban của HĐND được đổi mới, báo cáo mang tính phản biện cao.

Việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình từ công tác chuẩn bị đề nghị xây dựng nghị quyết tới việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; việc đánh giá tác động; việc thẩm tra của các ban HĐND đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết của HĐND góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, công tác an ninh, quốc phòng đạt kết quả tốt.

Báo cáo cũng đánh giá hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND tỉnh, thành phố với UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung, tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề…

“HĐND các tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, qua đó, khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và thực quyền hơn” – ông Trần Văn Túy khẳng định.

Tuy vậy, Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND có lúc, có việc còn hình thức, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định; việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức.

Hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, hoạt động tái giám sát của Thường trực và các ban HĐND, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Một số kiến nghị sau giám sát chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, nhiều địa phương chưa thực hiện được nội dung này.

Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự tiếp xúc cử tri chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố; còn có địa phương không tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp (Quảng Ngãi); việc giải quyết kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc còn chậm…

Tiếp xúc cử tri không chỉ để báo cáo kết quả kỳ họp

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH nhất trí cao với những kết quả đạt được đã được Đoàn giám sát chỉ ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá điểm nổi bật trong hoạt động của HĐND là HĐND các tỉnh, TP không chỉ giám sát mà đã tái giám sát, quyết tâm truy đuổi, theo đến tận cùng vấn đề.

Quan tâm tới đánh giá “hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít” của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Hiện nay có một số tỉnh kiến nghị nghiên cứu sửa đổi đổi quy chế tiếp xúc cử tri. Cụ thể, có ý kiến đề nghị sau kỳ họp không nhất thiết phải tiếp xúc cử tri. Lí do là khi HĐND tỉnh họp đã tường thuật trực tiếp các nội dung (trừ họp tại tổ) để cử tri theo dõi; đồng thời sau kỳ họp HĐND có phát hành ấn phẩm in tất cả kiến nghị của nhân dân, phần trả lời kiến nghị và đưa đến tận xã, do đó tiếp xúc cử tri để thông báo lại kết quả kỳ họp là không cần thiết.

Cũng về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thừa nhận tại một số Đoàn ĐBQH đã có nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp với những lí do được Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu. Tuy nhiên, theo bà điều này là không nên, việc tiếp xúc cử tri cần tiến hành ít nhất là trước và sau kỳ họp, ngoài ra cần phát triển thêm các hình thức khác. “Việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp không chỉ để đại biểu báo cáo kết quả kỳ họp mà còn là dịp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, cũng là thể hiện trách nhiệm của đại biểu trong việc giữ mối liên hệ với cử tri – những người đã bầu ra mình” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc tiếp xúc cử tri chưa quy định trước kỳ họp tiếp xúc tối thiểu bao nhiêu cuộc, nên ở một số cuộc, đại biểu HĐND cấp tỉnh cùng tiếp xúc luôn với đại biểu HĐND cấp huyện, dẫn tới lãng phí. Việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, lĩnh vực hoặc tại nơi cư trú của đại biểu thì hầu như ít hơn. Tiếp xúc cử tri ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ hưu trí là chủ yếu. Do vậy, cần tăng cường tiếp xúc cử tri theo ngành, lĩnh vực, chuyên đề và nơi cư trú./.

Kim Thanh

627 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1046
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1046
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87158780