Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương và đại diện cộng đồng 8 dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình), Thái (tỉnh Nghệ An), Khơ Mú (tỉnh Điện Biên), Dao (TP. Hà Nội), Tày (tỉnh Thái Nguyên), Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế), Khmer (tỉnh Sóc Trăng).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngày 19/4 hằng năm được chọn là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Vào dịp này hằng năm, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng; đồng thời góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc và các Ban, bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về công tác dân tộc và văn hóa dân tộc. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo về giải pháp trong sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số; mở 15 lớp tập huấn cho nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa; truyền dạy văn hóa phi vật thể của các dân tộc có số dân dưới 5.000 người; tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả 15 năm bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số; hướng dẫn các địa phương tổ chức hàng năm các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc với các nội dung thiết thực, có ý nghĩa...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, dù đã có những chuyển biến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc nhưng văn hóa truyền thống các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức. Văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số có nguy cơ cao bị mai một, biến dạng; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, một số truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, việc phát triển những giá trị mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Nhà nước được thực hiện thông qua các đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí để triển khai, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số rất khó thực hiện. “Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa, có các biện pháp thiết thực, phù hợp để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Duy Văn
Ngay sau phần khai mạc, các nghệ sĩ đã mang đến chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Những bông hoa đất Việt” với 6 phần. Phần 1 “Những bông hoa núi” giới thiệu cụm văn hóa một số dân tộc tiêu biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Tày, Dao, Hơ mông, Lô Lô, Khơ mú... Phần 2 “ Âm vang sông Hồng” giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ, trong đó chủ đạo là những nét văn hóa sinh hoạt gắn liền với đời sống lao động hàng ngày, xen lẫn nét văn hóa tín ngưỡng của một số địa phương có chủ yếu là dân tộc Kinh thuộc lưu vực sông Hồng gắn liền với nền văn minh Lúa nước được coi là Khu vực văn hóa sông Hồng. Phần 3 “Tổ khúc giao mùa” giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống, trong lao động và có những loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính chất tâm linh của một số địa phương thuộc khu vực miền Trung. Đặc biệt khu vực miền Trung có những sự chuyển động giao thoa mang tính chất vùng, miền được thể hiện rõ nét trong các phong cách, làn điệu mang màu sắc đa dạng. Phần 4 “Những cung bậc cao nguyên” thể hiện những phong tục, tập quán thông qua hoạt động, sinh hoạt văn hóa của một số dân tộc đại diện cho các dân tộc thuộc khu vực cao nguyên Nam Trung bộ. Phần 5 “Những điệu hò trên sông” giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa sinh hoạt, lao động của đồng bào thuộc khu vực đồng bằng Nam bộ. Phần 6 “Những bông hoa đất Việt” là phần kết của chương trình trong đó tổng hợp văn hóa của đại diện tất cả các dân tộc Việt, được gắn kết như một đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó mỗi dân tộc đều được tôn vinh và tỏa sáng trong chính sự khác biệt đa dạng của mình.
Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 2017 được tổ chức trong thời gian 5 ngày (từ ngày 19/4 đến ngày 23/4) với nhiều hoạt động: Đồng bào các dân tộc đến từ các vùng, miền của đất nước sẽ giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực dân tộc, đặc biệt là hoạt động giới thiệu, chế tác nhạc cụ dân tộc từ tre, nứa, trình diễn các nhạc cụ với chủ đề “Giai điệu từ núi rừng”; hoạt động thi đấu và biểu diễn võ dân tộc, vật cổ truyền dân tộc, trình diễn giới thiệu Yoga được tổ chức với sự tham dự của đông đảo vận động viên, thành viên câu lạc bộ đến từ các địa phương... Tất cả sẽ góp phần tạo nên một không gian văn hoá đa sắc màu, đầy sức sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” - Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam./.
VH