Về vấn đề này, TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế) đã có trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế).
(Ảnh: Đỗ Thoa)
|
Phóng viên (PV): Qua các phương tiện truyền thông tôi thấy, còn có những người không chủ động cách ly khi đi từ vùng dịch về hoặc trốn tránh khai báo y tế. Trong trường hợp này, cần xử lý thế nào thưa ông Đặng Quang Tấn?
TS: Đặng Quang Tấn: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì tất cả những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả hành khách nhập cảnh về từ vùng có dịch và gần đây Bộ Y tế cũng đã triển khai y tế điện tử với 100% hành khách nhập cảnh từ nước ngoài.
Phải nói rằng qua khai báo y tế chúng ta có thể biết được tình trạng sức khoẻ của người nhập cảnh vào Việt Nam thông qua máy đo thân nhiệt, tờ khai, thông tin người nhập cảnh phải khai báo. Về cơ bản, hầu hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam khai báo trung thực, có trách nhiệm. Tuy vậy, vẫn còn một số ít trường hợp cố tình khai báo không trung thực để đi qua được trạm kiểm soát vào Việt Nam.
Đây là những trường hợp đáng phải lên án vì những hành vi thiếu suy nghĩ, không trung thực của họ có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ cần phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi gian dối, không trung thực của mình. Chúng ta cũng đã có Bộ Luật hình sự 2015 và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hết sức cụ thể các chế tài xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Đối với những trường hợp vừa đề cập ở trên, tôi cho rằng cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định pháp luật, xử lý nghiêm khắc để làm gương, bảo đảm tính răn đe cho những trường hợp khác không tái diễn. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo được công tác phòng, chống dịch một cách chặt chẽ và toàn diện.
PV: Từ sự việc một số bệnh nhân nhập cảnh vào Việt Nam gần đây nhưng không trung thực trong khai báo y tế gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng những ngày qua, đã cho thấy “lỗ hổng” trong kiểm soát dịch bệnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông trong thời gian tới cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?
TS: Đặng Quang Tấn: Trước tiên để làm tốt điều đó, tôi nghĩ rằng mỗi cá nhân, mỗi người dân phải có trách nhiệm với bản thân mình và cộng đồng. Điều thứ hai là chúng ta phải chú trọng tập trung vào vấn đề tuyên truyền cho người dân, toàn thể cộng đồng về trách nhiệm cũng như hành vi chưa đúng đối với cộng đồng để họ trung thực, khi nhập cảnh về Việt Nam khai báo đúng những nội dung, lịch trình của bản thân trong tờ khai báo.
Một điều nữa là sự tuân thủ đúng pháp luật. Đối với trường hợp nào khai báo không trung thực, không đúng làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng thì cần phải có chế tài hoặc có những biện pháp đủ mạnh để răn đe, làm gương cho người khác. Để làm tốt điều đó, chúng tôi nghĩ rằng cần phải áp dụng vấn đề xử phạt trong thời điểm hiện nay.
Chúng ta xử phạt, áp dụng đúng như Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì người dân hoặc những hành khách mới sợ và tuân thủ đúng quy định.
PV: Điều lo lắng của người dân hiện nay là những ca bệnh đi theo đường hàng không nhập cảnh vào Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không phát hiện ra họ đang mang mầm bệnh và để “lọt lưới”. Ví dụ trường hợp bệnh nhân số 17 có hai hộ chiếu Anh và Việt Nam, vậy có cách nào quản lý được lịch trình đi lại của họ không thưa ông?
TS: Đặng Quang Tấn: Khi nhập cảnh có rất nhiều cơ quan chức năng tại cửa khẩu phối hợp để kiểm tra. Thứ nhất là kiểm tra trên hộ chiếu xem nơi xuất phát từ đâu. Thứ hai là kiểm tra qua tờ khai báo y tế. Tuy nhiên vẫn có những mặt khó khăn cho cơ quan kiểm tra. Ví dụ đối với tờ khai y tế, có những người trung thực họ khai trung thực, còn với những người không trung thực thì họ sẽ cố tình khai khác, lệch đi để không phải chịu sự quản lý.
Bởi vậy, cơ quan công an, đặc biệt bộ phận kiểm tra xuất nhập cảnh phải kiểm tra kỹ nơi xuất phát của họ, xem hộ chiếu của họ xuất phát từ đâu, đóng dấu từ đâu? Như vậy, mới biết được đối tượng đó xuất phát từ vùng có dịch hay không có dịch. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp khó kiểm tra, như các quốc gia châu Âu. Những người sống ở cộng đồng châu Âu, họ đi từ nước này sang nước kia mà không cần hộ chiếu hay đóng dấu passport, hay tại những quốc gia đang có dịch như Ý, Đức, Pháp…, người dân có thể đi ra sân bay khác để bay về.
Thực tế cũng có nhiều trường hợp muốn vào Việt Nam, họ có thể bay vòng qua các quốc gia khác sang Singapore, Thái Lan… sau đó mới bay về Việt Nam. Những trường hợp này đòi hỏi cơ quan chức năng tại cửa khẩu phải kiểm tra hết sức chặt chẽ xem họ xuất phát từ đâu. Khi kiểm tra nếu thực sự thấy họ xuất phát từ vùng có dịch thì phải đưa vào khu cách ly để đảm bảo tránh lây nhiễm dịch bệnh vào Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng đang công tác tại cửa khẩu cũng như cán bộ kiểm dịch y tế, công an, thậm chí là những cơ quan hàng không nữa.
PV: Chúng ta đã khống chế thành công dịch lan từ Trung Quốc sang, nhưng lại phải đối phó với nhiều nguy cơ khác từ những nơi có dịch bùng phát như Hàn Quốc, Anh, Iran, Italia… Việt Nam hiện cũng đang phải đưa ra nhiều kịch bản đối phó với dịch trong tình hình mới. Ông có lời khuyên gì với người dân lúc này để không hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan?
TS: Đặng Quang Tấn: Có thể nói rằng, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong đó có Bộ Y tế, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để có thể phòng, chống, khống chế được dịch COVID-19. Tới thời điểm này, chúng ta đã thành công giai đoạn 1, cũng thu được nhiều bài học kinh nghiệm để khi bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 giai đoạn 2 dù có nhiều cam go, thử thách hơn thì chúng ta vẫn tự tin, bản lĩnh để chiến thắng.
Trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều công việc cần phải được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Đó là, làm sao ghi nhận, phát hiện sớm nhất có thể các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Cần phải triển khai giám sát, cách ly chặt chẽ hơn nữa; liệt kê đầy đủ được các danh sách tiếp xúc với người bệnh, hoặc người nghi nhiễm bệnh, kể cả những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bệnh.
Một việc nữa là chúng ta phải đẩy mạnh công tác truyền thông. Đây là mảng việc hết sức quan trọng. Những thông tin, thông điệp cần phải minh bạch, rõ ràng, kịp thời để người dân hiểu. Một khi dân đã thông hiểu thì sẽ không hoang mang.
Có thể thấy thời gian vừa qua, ngành Y tế đã cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch. Chúng tôi luôn cập nhật thông tin 2 giờ/lần và những thông tin đó được cung cấp đầy đủ trên các trang web chính thống của ngành Y tế như: trang web của Cục Y tế dự phòng, trang web của Bộ Y tế; trang Sức khoẻ toàn dân; Báo Sức khoẻ và đời sống… Tất cả trang chính thống đấy đều được cập nhật thường xuyên những tin tức mới nhất về tình hình dịch bệnh; những khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người dân có thể tham khảo những thông tin chính thống đó để giúp cho bản thân, gia đình và cộng đồng có những hiểu biết kiến thức phòng, chống dịch COVID-19, từ đó sẽ còn không hoang mang, lo lắng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngày 31/12/2013 quy định Đối với hành vi vi phạm về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức) đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức) đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân (tổ chức) có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế./.
|