Theo Cục Du lịch quốc gia, trong tháng 6/2024, lượng khách quốc tế đạt hơn 1,2 triệu lượt, đưa tổng lượng khách quốc tế 6 tháng lên trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Nước ta đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa và mùa thấp điểm du lịch quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế trong tháng này vẫn cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19, một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế.
|
Khách quốc tế thăm quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: HT) |
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua.
Ngoài ra, các thị trường khác cũng có sự tăng trưởng, như Mỹ (415 nghìn lượt), Nhật Bản (336 nghìn lượt), Malaysia (254 nghìn lượt)... Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.
Về động lực tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 229,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (+42,4%), Nhật Bản (+39,2%)...
Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+116,1%), Philippines (+57,3%), Lào (+19,9%), Campuchia (+17%), Malaysia (+9,3%), Singapore (+9,8%)...
Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, trong đó có các thị trường chính như Anh (+29,2%), Pháp (+37,1%), Đức (+32,0%). Bên cạnh đó là Italy (+67,2%), Tây Ban Nha (+42,5%), Nga (+75,2%), Đan Mạch (+32,6%), Na Uy (+31,1%), Thụy Điển (+31,1%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.
Về mức độ phục hồi so với năm 2019, xét theo thị trường từ các khu vực, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế từ hầu hết các khu vực đã cao vượt so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 119% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 106%; châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Âu gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 92%.
Ở Nam Á, đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 312% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt mức 396%. Bên cạnh đó, Indonesia đạt mức 177%, Lào đạt mức 140%, Philippines đạt mức 121%, Singapore đạt mức 118%. Thái Lan (92%) và Malaysia (85%) phục hồi ở mức thấp hơn.
Ở Đông Bắc Á, thị trường lớn Hàn Quốc phục hồi tốt, đạt 110%. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 76%, Nhật Bản ở mức 74%.
Ở châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt mức 120%, Ý đạt mức 113%, Đức đạt mức 110%, Anh đạt mức 101%. Pháp gần phục hồi hoàn toàn với 94%.
Bên cạnh đó, thị trường khác như Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019, đạt mức 106%, Úc đạt mức 122%.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Đáng mừng, 4 tháng đầu năm lượng khách đều đạt trên 1,5 triệu lượt. Các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn và vượt mức năm 2019.
Thời gian vừa qua, Cục Du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Úc, Pháp, Đức, Ý, sắp tới là các chương trình tại Nga, Hàn Quốc… Cùng với động lực từ chính sách thị thực thông thoáng, kỳ vọng trong nửa sau năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, góp phần hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.