Khắc phục tình trạng mỗi bệnh viện có giá khám chữa bệnh dịch vụ khác nhau 

(Chinhphu.vn) – Hiện nay, mỗi bệnh viện áp dụng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau, từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Từ ngày 15/8 tới, quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế vừa ban hành sẽ có hiệu lực.
Khắc phục tình trạng mỗi bệnh viện có giá khám chữa bệnh dịch vụ khác nhau - Ảnh 1.

Hiện nay, mỗi bệnh viện vẫn đang áp dụng các mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau, từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Ảnh: VGP/HM

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Các loại dịch vụ quy định tại Thông tư này gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, ngày/giường bệnh, dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan quy định khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Mặc dù hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, mỗi bệnh viện vẫn đang áp dụng các mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau, từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. 

Theo thông tư 13, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu, sẽ được áp dụng từ ngày 15/8 tới.

Cụ thể, theo quy định, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng đặc biệt, hạng 1 có mức tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt.

Đối với ngày giường điều trị nội trú theo yêu cầu,  loại 1 giường/phòng có giá tối đa 4 triệu đồng/giường; loại 2 giường/phòng có giá tối đa 3 triệu đồng/giường; loại 3 giường/phòng có giá tối đa 2,4 triệu đồng/giường; loại 4 giường/phòng có giá tối đa 1 triệu đồng/giường.

Cũng theo Thông tư 13, một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 4 giường và phải đảm bảo diện tích sàn xây dựng trên 1 giường theo quy định. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng phải bảo đảm số giường bệnh theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường thực hiện bình quân của năm trước liền kề.

Đồng thời, phải đảm bảo các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành tỉ lệ thời gian nhất định, tối thiểu 70%, để khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế; người bệnh không có bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới. Tức là, tỉ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.

Ngoài việc đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo quy định về khám chữa bệnh, các cơ sở y tế phải đáp ứng các quy định về diện tích chỗ khám, đảm bảo bác sĩ, chuyên gia khám tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ. 

Cũng theo Thông tư này, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất. Trong đó, cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng; tối thiểu là hơn 91 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất là hơn 96,6 triệu đồng.

Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng.  

Khắc phục tình trạng mỗi bệnh viện có giá khám chữa bệnh dịch vụ khác nhau - Ảnh 2.

Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không ảnh hưởng đến người khám chữa bệnh theo BHYT và người không có thẻ BHYT nhưng không có nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ảnh: VGP/HM

Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu ảnh hưởng đến ai?

Hiện nay, người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo 3 hình thức, gồm: Khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế; khám chữa bệnh không theo bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; khám chữa bệnh theo yêu cầu. 

Trong đó, theo Bộ Y tế, tỉ lệ bệnh nhân lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu chiếm từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh, còn ở tuyến huyện hầu như không có. 

Bộ Y tế khẳng định bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu này chỉ áp dụng cho đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu, không tác động đến đối tượng khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh không theo bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. 

Đồng thời, việc ban hành Thông tư 13 sẽ hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện và xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật. Từ đó sẽ giúp quản lý chặt chẽ và tốt hơn vấn đề cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ được tái đầu tư để tiếp tục đầu tư, phát triển kỹ thuật. Tạo điều kiện để huy động ngân sách Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn không thu hút được nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách về y tế cơ sở.

Hiền Minh

457 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 416
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 416
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89354168