Trong hai ngày 22 – 23/7, tại thành phố Đông Hà, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị (HĐND) đã tổ chức Kỳ họp thứ 16, Khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, để đánh giá và bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, quyết định một số vấn đề theo luật định.
Trong ngày 23/7, HĐND tỉnh Quảng Trị tập trung thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề cử tri quan tâm. Theo đó, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận, chất vấn về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Năm 2020, tổng vốn đầu tư công do tỉnh Quảng Trị quản lý là 3.633 tỷ đồng. Đến ngày 15/7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 25,8%; thấp so với yêu cầu của tỉnh và Trung ương. Tỉnh Quảng Trị hiện có 45 dự án giải ngân vốn đầu tư công chậm khi tỷ lệ giải ngân chỉ dưới 20%.
Các dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.950 tỷ đồng, chiếm 53,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2020. Đặc biệt, tỉnh còn có 29 dự án chưa giải ngân được với tổng vốn đầu tư 512 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2020.
Đại biểu Vũ Văn Phong, huyện Vĩnh Linh đặt vấn đề, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, có phải do vướng mắc trong giải phỏng mặt bằng và thủ tục đầu tư để triển khai dự án.
Còn đại biểu Nguyễn Trần Huy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phải xác định được, giải phóng mặt bằng nằm ở khâu nào trong xác định đầu tư dự án. Vậy, có hay không, khi đã xác định được dự án nhưng lại không công khai, minh bạch trong vấn đề giải phóng mặt bằng, khiến người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng?
Trả lời chất vấn các đại biểu, ông Trương Chí Trung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân giải ngân vốn đầu công chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến doanh nghiệp không huy động được nhân lực để thi công dự án.
Người dân chưa đồng tình về phương án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; vướng mắc về thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn giải ngân phụ thuộc vào nguồn thu, tức là tiến độ nguồn thu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giải ngân vốn; một số địa phương, đơn vị còn sao nhãng trong giải ngân vốn đầu tư công.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn cho biết, Quảng Trị là tỉnh nghèo, khi các công trình rất cần tiền, nhưng có tiền lại không tiêu được, dẫn đến bị cắt vốn, mất vốn. Do đó, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác này làm chưa tốt, để tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, giải phóng mặt bằng đang là khâu khó nhất trong thi công dự án. Minh chứng là có hơn 100 dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, không triển khai thi công được. Để làm tốt việc giải phóng mặt bằng, phải huy động người có kinh nghiệm, chuyên gia giỏi về pháp lý, tài chính, quản lý đất đai, đặc biệt là làm tốt công tác dân vận.
Đồng thời, xem xét lập cơ quan giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, để chuyên giải quyết vấn đề này. Cơ quan này phải đảm bảo không tăng về biên chế, đầu mối và là sự nghiệp công tự thu, tự chi. Đơn vị này, khi thiết kế dự toán giải phóng mặt bằng, phải làm chính xác, nhất quán để người dân tin tưởng, đồng thuận.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị đã đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề như: thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ các dự án đầu tư; tăng thu ngân sách; nâng cấp hạ tầng giao thông, nước sạch.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý là tổng sản phẩm (GRDP), tăng 4,17% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức tăng trưởng cao thứ 16 của cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 44% dự toán địa phương và 54% dự toán Trung ương giao./.
Nguyên Lý/TTXVN