|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc. (Ảnh: Minh Hùng) |
Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 2, sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.
Trình bày Tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau 17 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng; về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Do đó, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết.
Mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, về cơ bản, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật chưa khắc phục một cách căn cơ những bất cập, hạn chế trong báo cáo tổng kết; vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các báo cáo thành phần của hồ sơ.
Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh các đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân.
Về thủ tục và hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Làm rõ tuyến trình thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài công lập; Thể hiện cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng trong các quy định của dự thảo Luật; Làm rõ vấn đề khen thưởng thành tích có nội dung bí mật Nhà nước; Nghiên cứu, sửa đổi quy định về cơ quan chủ trì trình khen thưởng đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho phù hợp với quy định của Đảng và thực tiễn công tác quản lý cán bộ hiện nay.
Phát biểu khai mạc phiên họp trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án luật này là sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ khoá XV. Do đó, đây là cơ hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện được lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật cần cụ thể hóa, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị 34-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Sau khi sửa đổi luật phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt, chuyển biến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước và khen thưởng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, khen thưởng, phải chú trọng hướng về cơ sở đối với công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, sự quan tâm khen thưởng kịp thời nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác, phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự án Luật cần khắc phục cho bằng được tình trạng khen thưởng theo kiểu gối đầu, tích lũy thành tích để khen, tổ chức định hướng việc xây dựng thành tích của cá nhân, thậm chí là nhường nhịn nhau thì được khen thưởng, tình trạng chạy danh hiệu, chạy giấy khen; cũng như cần bao quát, phổ cập được giữa khu vực công và khu vực tư, nhất là khu vực doanh nghiệp.
Sau khi thảo luận, kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho trúng, cho đúng, cho toàn diện; bổ sung thêm nội dung các báo cáo thành phần. Phạm vi sửa đổi Luật cần lưu ý ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; đảm bảo khái quát được vấn đề thi đua, khen thưởng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, tránh chồng chéo, hình thức; các danh hiệu thi đua cần xem xét kỹ, đảm bảo mối liên hệ giữa các cơ quan, tổ chức chính trị, khu vực ngoài nhà nước; xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Đối với cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này; chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức các hội thảo, tọa đàm; phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam để lấy ý kiến rộng rãi; nếu cần thiết có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc hình thức phù hợp để góp ý đối với dự án Luật quan trọng này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan; hoàn thiện Hồ sơ để trình lại Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới đây./.