Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong hoạt động thể dục thể thao 

(Chinhphu.vn) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao được Quốc hội xem xét trong phiên họp toàn thể tại hội trường chiều 15/11.

 

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Luật Thể dục, thể thao (TDTT) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.

Qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, có thể khẳng định Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện ở những kết quả nổi bật như Luật TDTT đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực.

Luật TDTT đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT; góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực TDTT mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy giao lưu, hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức thể thao quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể như một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế; một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế; một số hoạt động TDTT phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định…

Xuất phát từ tình hình thực tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: Khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại thảo luận, đại đa số các ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật TDTT, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục thực hiện các quy định còn phù hợp của Luật TDTT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên;...

Các vấn đề liên quan đến thi đấu thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao;... là những nội dung lớn được các đại biểu tập trung thảo luận.

Trong dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các khoản của Điều 21, Điều 25 như bổ sung về xây dựng, ban hành chương trình giáo dục thể chất, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên thể dục thể thao, hướng dẫn nội dung hoạt động thể thao ngoại khoá trong nhà trường; cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường; tổ chức huấn luyện và thi đấu thể thao ứng dụng nghiệp vụ phục vụ cho công tác, chiến đấu và thể thao thành tích cao;... nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung các quy định tại các điều 21, 25 như trên chưa tạo được nền tảng cho thể thao trong nhà trường phát triển; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường khó có thể đảm bảo mục tiêu.

Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), Đinh Thị Kiều Trang (Nghệ An) và nhiều kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật bổ sung báo cáo đánh giá tác động đối với quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường để đảm bảo tính khả thi.

“Trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường học còn có khoảng cách trong phát triển giữa các vùng miền, tôi e rằng việc quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường sẽ thiếu tính khả thi, dẫn tới tình trạng các trường tổ chức theo hình thức, gây lãng phí, hiệu quả thấp, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu lại quy định này”, đại biểu Đinh Thị Kiều Trang (Nghệ An) phát biểu.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải thích rõ các cụm từ được sử dụng trong dự án luật như “thể thao quần chúng”, “thể thao thành tích cao”. Nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định, chính sách về đãi ngộ đối với các vận động viên, nhất là vận động viên thể thao thành tích cao, vận động viên là người khuyết tật, vận động viên không may gặp rủi ro trong thi đấu, tập huyện; quan tâm lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Đồng quan điểm nêu trên, đi biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, các vận động viên thành tích cao đóng góp rất lớn đối với thể thao nước nhà, nhưng chế độ đãi ngộ vẫn nhiều khí chưa tương xứng với sự đóng góp của họ. “Nhiều vận động viên sau khi giải nghệ, sức khỏe yếu; công việc thiếu ổn định; thậm chí hậu quả của những chấn thương trong tập luyện, thi đấu đeo bám họ cả đời… Tôi đề nghị cần dành sự quan tâm hơn nữa đến xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các vận động viên này”.

Về đặt cược thể thao, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trang (Nghệ An) và một số đại biểu đề nghị dự luật cần quan tâm xây dựng các quy định nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động xã hội hóa trong thể dục, thể thao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục, thể thao, Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu, bổ sung quy định để phát huy hơn nữa sự đầu tư đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp thể dục, thể thao; tạo cơ chế để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao thực sự tự chủ trong tổ chức và hoạt động; tạo điều kiện cho hoạt động thể thao từng bước vận hành theo cơ chế thị trường.

Nguyễn Hoàng

422 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 678
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 678
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77145493