Luân chuyển cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta được thực hiện từ nhiều năm nay và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Nhiều cán bộ thực sự đã trưởng thành từ thực tiễn, ghi dấu nhiều thành tích tại các địa phương, đơn vị đến công tác. Tuy nhiên, thực tế, việc luân chuyển cán bộ thời gian qua cũng đã có những trường hợp gây bức xúc trong dư luận, nhất là đối với những trường hợp cán bộ bị kỷ luật hay một số trường hợp luân chuyển nhưng quá ít thời gian sau đó đã đi nơi khác để lên lãnh đạo. Để khắc phục tình trạng này, ngày 7/10, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 98-QĐ/TW (sau đây gọi tắt là Quy định 98) về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Vậy quy định 98 có những nội dung gì tham chiếu, chi phối công tác luân chuyển cán bộ? Có thể khẳng định đây là văn bản quy định quan trọng, với những yêu cầu khắt khe, chặt chẽ về luân chuyển cán bộ. Quy định rõ mục đích, yêu cầu; quan điểm, nguyên tắc; phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; tiêu chuẩn, điều kiện; thẩm quyền, trách nhiệm; kế hoạch, quy trình, hồ sơ cán bộ luân chuyển; thời gian luân chuyển; nhận xét, đánh giá; nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển; chế độ, chính sách; kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Quy định lần này hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức cán bộ được phát hiện trong thời gian qua.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ Chính trị quy định nêu rõ: “chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (…) không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển". Thực tế trong thời gian qua cho thấy, một số cán bộ sau khi bị kỷ luật vẫn tiếp tục luân chuyển về đơn vị khác làm lãnh đạo gây nên dư luận không hài lòng trong đơn vị, địa phương nơi đến. Bởi khi đó, việc luân chuyển cán bộ bị kỷ luật đến nơi mới như vậy cũng dẫn tới tình trạng mất cơ hội cho những cán bộ có năng lực thực sự tại chính những cơ quan, đơn vị ấy. Và điều quan trọng hơn, đó là rõ ràng, cán bộ đó bị kỷ luật “uy tín đã bị giảm sút”, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Quy định luân chuyển cán bộ lần này đã cho thấy, cán bộ đến và đi chắc chắn phải đạt được những yêu cầu, tiêu chuẩn rõ ràng và có năng lực, phẩm chất tốt, sẽ có lợi cho những nơi đến và cũng là thời gian để rèn luyện, đào tạo cán bộ trẻ có năng lực thực sự.

Trong khi dư luận còn đang nóng về tình trạng bổ nhiệm cán bộ là người thân, người nhà thì quy định lần này nêu rõ: “Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Hay như tình trạng bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” sẽ được Quy định lần này thắt chặt hơn với yêu cầu “thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh”.

Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ với mục đích tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...

Việc thực hiện Quy định này góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.

Quy định nêu rõ: Kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Cùng với các yêu cầu trên, Quy định lần này nêu rõ, việc luân chuyển được thực hiện 5 bước, trong đó, có 3 nội dung quan trọng để thống nhất trong tư tưởng và hành động của cả cán bộ được điều động luân chuyển, cơ quan nơi đi và cơ quan nơi đến. (Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển/Lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với nơi đi, nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển. Tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển/Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển”...

Với Quy định mới về công tác luân chuyển cán bộ lần này, chúng ta hy vọng rằng, trong thời gian tới, trong công tác cán bộ sẽ khắc phục được những mặt còn hạn chế, yếu kém. Chúng ta cũng kỳ vọng những bức xúc của nhân dân về những trường hợp cán bộ cụ thể sẽ được lắng xuống bởi sẽ không còn kẽ hở để cho những sự việc tương tự có thể xảy ra. Đây cũng là những cơ hội mới cho những cán bộ trẻ có năng lực thực sự để được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành hơn nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ dồi dào hơn trong những thời gian tiếp theo./.

PV