Theo thống kê của Vitas trong quý I/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 11,9% của cùng kỳ 2017, đạt 22,4% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Xuất khẩu tăng mạnh
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, trong quý I, riêng mặt hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,49%, tăng khá so với mức 9,7% của quý I/ 2017. Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.
Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 2 tháng đầu năm 2018 là áo thun, áo jacket, áo sơ mi.
Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm tình hình đơn hàng cũng rất khả quan, nhiều DN đã nhận đơn hàng đến hết quý III. Với triển vọng khả quan của kinh tế thế giới cũng như trong nước thì kế hoạch xuất khẩu 34-34,5 tỷ USD của cả năm 2018 là rất khả quan.
CPTPP sẽ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam
Giai đoạn 2013-2017, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang các nước CPTPP tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.
Trong CPTPP, các nước Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Singapore thường nhập khẩu nhiều hàng dệt may Trung Quốc. Khi CPTPP có hiệu lực sẽ tạo ra lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường trên nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó Canada cam kết loại bỏ ngay 42 dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam.
Dự kiến ngay trong năm 2018, xuất khẩu dệt may sang khối các nước CPTPP có thể sẽ đạt 4,8 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với năm 2017. Như vậy, khu vực này sẽ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ (chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may).
Tuy nhiên, để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi CPTPP có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức các công đoạn sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm - may phải được thực hiện trong các nước thuộc CPTPP.
Xét về trình độ phát triển hàng dệt may, các tiêu chuẩn kỹ thuật trong CPTPP không phải là khó khăn lớn đối với DN Việt Nam. Điều quan trọng là đáp ứng được tỉ lệ nguyên phụ liệu sản xuất trong CPTPP trên tổng giá trị thành phẩm.
Phan Trang