Riêng tháng 11, kim ngạch XK NLTS ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 10; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,15 tỷ USD, thủy sản đạt 868 triệu USD và chăn nuôi đạt 58 triệu USD.
Như vậy, tính đến tháng 11 ngành nông nghiệp xuất siêu 8,8 tỷ USD (cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước). Dự kiến kim ngạch XK cả năm đạt khoảng 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại ước khoảng 9,5 - 10 tỷ USD.
Nhóm nông sản chính ước đạt 17,0 tỷ USD, giảm 5,2%, chiếm 45,7% kim ngạch xuất khẩu; lâm sản chính đạt 10,2 tỷ USD, tăng 20,5% và chiếm 27,5% tỷ trọng XK; thủy sản ước đạt 7,9 tỷ USD, giảm 1,2%, tỷ trọng chiếm 21,3%; chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5% và chiếm 1,7% tỷ trọng.
Qua 11 tháng, giá trị XK một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Cao su đạt 2,0 tỷ USD, tăng 9,3%; chè đạt 216 triệu USD, tăng 16,0%; rau đạt 592 triệu USD, tăng 9,0%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19,5%; quế đạt 163 triệu USD, tăng 31,0%; mây tre, cói đạt 437 triệu USD, tăng 44,4%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5%.
Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch XK giảm, gồm: Trái cây đạt 2,6 tỷ USD, giảm 5,5%. Hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá XK bình quân giảm mạnh nên giá trị XK giảm, cụ thể: Hạt điều đạt 3,0 tỷ USD, giảm 1,8% về giá trị, nhưng lượng tăng 23,6%, gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,4% về giá trị, lượng tăng 4,8%, hạt tiêu đạt 677 triệu USD, giảm 5,8% nhưng lượng tăng 23,3%; riêng cà phê giảm cả về giá trị và lượng, giá trị XK đạt 2,5 tỷ USD, giảm 15,2%, lượng giảm 22,7%.
Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch XK; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%.
Về NK, tính chung 11 tháng, kim ngạch NK các mặt hàng NLTS ước khoảng 28,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, NK các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 23,7 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ. NK sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất đều giảm (phân bón giảm 12,1%, bông các loại giảm 13,9%,... ). Một số mặt hàng nông sản có giá trị NK giảm khá mạnh như: Lúa mì giảm 39,8%; đậu tương giảm 19,7%, hạt điều giảm 11,5%. Tuy nhiên, NK sản phẩm chăn nuôi tăng 20,3% (3,4 tỷ USD); ngô tăng 13,8% (2,2 tỷ USD); gỗ tăng 9,7% (2,3 tỷ USD), rau tăng 14,1% (602 triệu USD).
Đỗ Hương