Qua một tháng triển khai, kết quả các hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác truyền thông được tăng cường với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú. Theo đó, đã tổ chức 28 lớp tập huấn, 120 buổi nói chuyện về an toàn thực phẩm cho 1.464 người tham dự; in ấn, cấp phát 2.886 tờ rơi; treo 28 áp phích, 397 khẩu hiệu vượt đường; 15 thông điệp tuyên truyền trên truyền hình; đăng 44 lượt tin bài viết trên Báo Quảng Trị, các bản tin Sở Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Trang điện tử, Facebook, Zalo của các ngành, các đơn vị; phát thanh 1.346 lần nội dung về an toàn thực phẩm trên hệ thống loa phóng thanh tại tuyến huyện, thành phố, xã phường, thị trấn;... Trong Tháng hành động năm 2024 có 03/9 huyện, thị xã, thành phố chủ trì, tổ chức lễ phát động.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm được chú trọng, toàn tỉnh đã thành lập 135 đoàn kiểm tra liên ngành và 66 đoàn kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Các đoàn đã thực hiện kiểm tra 2.593 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Kết quả: có 1.996 cơ sở đạt quy định (chiếm tỷ lệ 76,98%); có 597 cơ sở vi phạm về các điều kiện an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 23,02%); 85 cơ sở vi phạm bị xử lý hành chính với tổng số tiền phạt là 474.850.000 đồng. Ngoài ra các đoàn còn áp dụng các hình thức phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở, tịch thu tang vật, buộc thu hồi, buộc tiêu hủy đối với các cơ sở vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.. Qua kiểm tra cho thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã quan tâm chú trọng triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, thông tin giáo dục về an toàn thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, hầu hết các cơ sở đều có ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm có nhận thức muốn kinh doanh đảm bảo cho người tiêu dùng. Tuy nhiên,, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện một số cơ sở không tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm như: Không thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; vi phạm về nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hoá kiểm nghiệm không đạt chất lượng...
Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành lấy mẫu, kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, đã lấy tổng cộng 300 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP, trong đó: gửi xét nghiệm tại Labo 12 mẫu; Test nhanh 288 mẫu tại các chợ và các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất tại cơ sở gồm các test nhanh hàn the trong chả; Test nhanh focmol trong hải sản, bún bánh; test nhanh Ure trong cá, kiểm tra phẩm màu kiềm trong mẫu nông sản khô (khô bò, khô gà, hạt dưa…); kiểm tra sunfit trong mứt dừa, hạt dẻ, nước ngâm mít; test nhanh độ sạch bát dĩa. Kết quả: Có 11/12 mẫu xét nghiệm tại labo đạt (chiếm tỷ lệ 91,67%; mẫu không đạt là mẫu chả có sử dụng hàn the) và 282/288 mẫu xét nghiệm nhanh đạt (chiếm tỷ lệ 97,92%). Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải tuân thủ chấp hành tuyệt đối các quy định trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời phải chịu trách nhiệm chính về sản phẩm do mình sản xuất ra và tiêu thụ trên thị trường phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm giúp cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Đây có thể xem là chiến dịch cao điểm trong năm nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Tuy nhiên, để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự vào cuộc hết sức trách nhiệm, quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trong tỉnh./. Đăng Khoa