Kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW trên địa bàn huyện Gio Linh 

Xuất phát điểm là huyện có nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, người dân sống ở nông thôn chiếm số lượng lớn, do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Gio Linh luôn xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài.

Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (viết tắt là Nghị quyết 26-NQ/TW) và Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU, ngày 31/12/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, ngày 18/4/2009, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh, khóa XIV đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTHĐ/HU để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình... sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đầy đủ nội dung các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến tận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, qua hơn 2 nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Gio Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có bước phát triển mới. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 đạt trên 1.889 tỷ đồng. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học được ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi đem lại năng suất và chất lượng nông sản ngày càng cao. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Trên lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung với các cây trồng chủ lực như: Cao su, hồ tiêu... Một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ đã có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, bước đầu đem lại hiệu quả. Chăn nuôi phát triển tập trung theo hình thức trang trại, gia trại; ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường. Hiện tại, toàn huyện có 27 trang trại, 142 gia trại chăn nuôi. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt 330.273 triệu đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008 - 2020 đạt 14,55%.

Công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được triển khai thực hiện tốt. Toàn huyện có 21.578,17 ha rừng, trong đó: rừng sản xuất 11.466,25 ha; rừng phòng hộ 10.111,92 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54 %, cao hơn so với tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.

Kinh tế biển phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề thủy sản được đầu tư. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng bến cá Cửa Việt với tổng mức đầu tư 26.968 triệu đồng. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá tốt. Trên địa bàn hiện có 01 cơ sở đóng tàu, hàng năm đóng mới từ 4-5 chiếc tàu vỏ thép, 10-15 tàu vỏ gỗ và sửa chữa khoảng 200 tàu cá các loại; 09 cơ sở sản xuất đá lạnh, 02 tàu cung ứng xăng dầu trên biển, 14 kho đông lạnh phục vụ kịp thời cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 đạt 793.313 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2020 đạt 12,4%.

Cơ sở chế biến nông sản phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện có 01 nhà máy chế biến mủ cao su, 01 nhà máy sản xuất gỗ MDF, 01 nhà máy chế biến thức ăn gia súc, 01 nhà máy sản xuất bia. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp của Hợp tác xã và dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp của hộ kinh doanh cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới tính đến ngày 31/12/2020 là: 4.337.071,67 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước: 221.876,4 triệu đồng; Nhân dân đóng góp: 436.010,7 triệu đồng; còn lại là các nguồn khác. Đến nay, đã có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 53,33%, bình quân đạt 17,2 tiêu chí/xã, dự kiến năm 2021 có 03 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 11 xã, đạt tỷ lệ 73,33%. Các công trình hồ đập thuỷ lợi được xây mới và nâng cấp; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo tưới cho lúa 02 vụ và các cây trồng khác đạt 80%. Mạng lưới giao thông liên vùng, liên xã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, ngày càng hoàn thiện. Đến nay, có 97% đường huyện, xã; 75,2% đường đô thị; 52% đường nông thôn, đường nội đồng được bê tông hoá, cứng hóa.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được chú trọng. Các lễ hội văn hóa truyền thống được duy trì, phục dựng. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước diễn ra sôi nổi, góp phần khơi dậy truyền thống tự hào, tinh thần thi đua lao động, sản xuất, học tập của cán bộ, Nhân dân... Tình hình an ninh trật tự nông thôn được giữ vững.

Tuy vậy, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm; một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả chậm được nhân rộng...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016. Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Một bộ phận Nhân dân còn tư tưởng trong chờ, ỷ lại, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế...

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, trong thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện cần:

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Gio Linh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình phát triển kinh tế gò đồi, miền núi giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025...

Có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực giải quyết được nhiều lao động phổ thông tại chỗ. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có thế mạnh của huyện. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Xây dựng nội quy, quy ước làng xóm gắn với các quy định cụ thể về an ninh trật tự nông thôn. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự nông thôn.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Hồng Bốn

916 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 927
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 927
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77590711