Kết quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị  

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên 4.746,4 km², dân số 633.598 người, trong đó khoảng 13,8% người dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh có ba cộng đồng dân tộc sinh sống gồm người Kinh, người Bru-Vân kiều và người Pa cô-Tà ôi; có 03 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và Tin lành được Nhà nước cho phép hoạt động với khoảng hơn 10 vạn tín đồ, chiếm 17,2 % dân số của tỉnh.

Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, nền kinh tế của Quảng Trị có bước khởi sắc, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,21%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (6,5-7%). Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác dân vận (CTDV) của HTCT, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị nói chung và công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (MTTQ và các đoàn thể CT-XH), lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo đoàn kết, hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững QP-AN, xây dựng Đảng và HTCT trong sạch vững mạnh.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã phát huy dân chủ trong công tác chỉ đạo Đại hội đảng các cấp thông qua việc thực hiện đầy đủ các quy trình  công khai, dân chủ, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện và công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp gắn với đẩy mạnh thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các loại hình, thông qua kiểm tra đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đánh giá đúng thực trạng tình hình kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm tốt, sáng tạo; đồng thời, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới. Công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết TW 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với chủ đề hàng năm của Trung ương, của Tỉnh ủy được chú trọng và đổi mới. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là tập thể lãnh đạo, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất; tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị. Xây dựng và thực hiện quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên thực thi công vụ; đồng thời nhắc nhở, có hình thức xử lý đối với những tổ chức có chỉ số hài lòng thấp.

Cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, như Đài PT-TH tỉnh phát các chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, “Vấn đề hôm nay”; các bản tin, phóng sự, bài viết trên Báo Quảng Trị, Trang thông tin điện tử của tỉnh... và thông qua các hội nghị, giao ban, trực báo, các lớp bồi dưỡng… đã lồng ghép phổ biến, quán triệt các nội dung đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp đồng bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, các giải pháp phòng ngừa, xử lý; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp.

Đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn, phản bác những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, thông tin bịa đặt lợi dụng dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Chỉ đạo xây dựng quy định về phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú để gắn bó mật thiết với Nhân dân và Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên.

Chú trọng xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về cắt giảm chi phí doanh nghiệp, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của người dân nhằm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện với quyết tâm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong lĩnh vực này. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch.

Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động đã đảm bảo sự thuận tiện, hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước và không ngừng tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCC, VC, nhất là công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tập trung thực hiện nâng cao chất lượng, đổi mới lề lối làm việc đảm bảo dân chủ hóa, công khai hóa, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ CBCC, VC có năng lực, đảm bảo chất lượng, làm việc chuyên nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện quyết liệt và có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, phù hợp với thực tiễn của địa phương, huy động sự vào cuộc của cả HTCT, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, được các cấp, các ngành trong tình thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng nghiêm tắc và trình tự quy định, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ thể nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua; duy trì phát huy hiệu quả và sức lan tỏa của các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh có 1.750 mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo”, tháng 9/2020 tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương điển hình “Dân vận khéo”, giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng khu dân cư; nắm tình hình tư tưởng Nhân dân, qua đó kịp thời chỉ đạo thực hiện, góp phần giữ ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững QP-AN; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; xóa đói giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đoàn viên, hội viên vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã hướng trọng tâm vào các vấn đề đoàn viên, hội viên, người lao động và Nhân dân quan tâm; các kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp thu, giải quyết, trả lời thỏa đáng.

Có thể khẳng định, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền những năm qua đã có nhiều đổi mới, nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong HTCT, nhất là cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp về CTDV được nâng lên, vai trò công tác vận động quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, của địa phương đã được khẳng định, đạt nhiều kết quả, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Sự phối hợp CTDV giữa chính quyền với cơ quan dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Lê Trang

591 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 963
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 963
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76672363