Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW 

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị quyết số 19-NQ/TW), tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên việc triển khai giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đầu tư nguồn lực để cung cấp dịch vụ công còn hạn chế.

Tính đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 482 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 182 đơn vị, đạt 27,4% so với tổng số ĐVSNCL toàn tỉnh năm 2015 (vượt 7,4% so với mục tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW). Tuy nhiên chỉ có 44 ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt 9,1% so với tổng số đơn vị toàn tỉnh. Việc sắp xếp ĐVSNCL bước đầu đã khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, thiếu tập trung, lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hướng tới tổ chức ĐVSNCL tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương.

Bên cạnh đó, tổng số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của toàn tỉnh hiện nay là 377 đơn vị, chiếm 78,2%, nhưng chỉ có 01 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Nguồn thu chủ yếu của các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo là học phí, tuy nhiên để phù hợp với điều kiện sống của người dân mức học phí mới được HĐND tỉnh mới ban hành năm 2024 cơ bản giữ nguyên như năm 2018. Vì vậy, việc xây dựng phương án tự chủ tài chính của các ĐVSNCL trong lĩnh vực giáo dục khó nâng cao được mức độ tự chủ, trong khi số lượng ĐVSNCL trong lĩnh vực này chiếm tỷ lệ phần lớn.

Về tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã giảm 1.786 chỉ tiêu, đạt 10% so với biên chế được giao năm 2015. Giai đoạn 2022-2026, yêu cầu phải giảm 1.607 chỉ tiêu, đạt 10% với biên chế được giao năm 2021. Đến nay, tỉnh đã giảm được 877 chỉ tiêu, đạt 54,6% so với kế hoạch. Việc tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc linh hoạt, không thực hiện cào bằng, cơ học giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, vùng miền, ngành, lĩnh vực.

Cùng với việc tinh giản biên chế, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, cơ cấu hợp lý, giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các đơn vị. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công để chuyển các ĐVSNCL sang tự chủ về tài chính, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhằm đủ chỉ tiêu cắt giảm và dành bố trí đủ số người làm việc đối với vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ về tài chính và xã hội hóa đối với sự nghiệp giáo dục còn chậm, nên khó đạt được mục tiêu đến năm 2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2021. Một số ngành, lĩnh vực chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Việc phân định tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp tại một số ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp chưa thực sự rõ ràng  gây khó khăn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Việc tổ chức lại Trường Cao đẳng Sư phạm chưa thực hiện được do chưa có phương án phù hợp trong khi Trung ương chưa ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm trên toàn quốc.

Việc thực hiện tinh giản biên chế đối với sự nghiệp giáo dục còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn vì trong khi biên chế được giao so với định mức còn thiếu nhưng hàng năm phải thực hiện cắt giảm dẫn đến phân bổ biên chế và đảm bảo cho công tác dạy học gặp khó khăn. Việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân chính là do việc ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành đối với ĐVSNCL chưa đồng bộ, còn chậm, một số quy định đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị còn chưa đồng đều do yếu tố về địa bàn, lĩnh vực hoạt động: Các đơn vị có thu nhập cao chủ yếu tập trung tại trung tâm, thành phố; nguồn thu chủ yếu từ phí do nhà nước ban hành. Quảng Trị là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đang ở mức trung bình so với cả nước, đời sống người dân còn khó khăn, mật độ dân số phân bố không đồng đều. Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp còn thấp, mức độ xã hội hóa các dịch vụ công chưa cao. Do đó, việc triển khai giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đầu tư nguồn lực để cung cấp dịch vụ công còn hạn chế.

Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về chuyển các trường mầm non, trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện xã hội hóa cao ra ngoài công lập theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW để có cơ sở thực hiện; ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đào tạo đội ngũ giáo viên và viên chức quản lý giáo dục để địa phương để có cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành định mức biên chế đối với các lĩnh vực, rà soát ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của các lĩnh vực chưa ban hành, các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để địa phương triển khai xây dựng, áp dụng. Vĩnh Long

80 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1141
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1141
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87099855