Kết quả sau 5 năm thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 

Sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện tốt trên địa bàn.

Qua 5 năm thực hiện, các ngành, các cấp ở địa phương đã tích cực nỗ lực triển khai thực hiện chính sách người có công và chính sách an sinh xã hội, trong đó chú trọng huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tích chung của phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nổi bật là công tác chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tập trung giải quyết tồn đọng hồ sơ chính sách; tạo việc làm (trên 10.800 người/năm); giảm tỷ lệ hộ nghèo (1,5 - 2,0%/năm); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (90,08%); công tác cứu trợ, khắc phục thiên tai, lũ lụt được triển khai kịp thời, hiệu quả; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như: bảo đảm về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Công tác hỗ trợ, bảo trợ người yếu thế hòa nhập cộng đồng đạt kết quả khá tốt; việc giải quyết các chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, thai sản, thân thể được thực hiện khá đầy đủ.

Việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, về cơ bản đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn trước.

Tuy nhiên, đối với một tỉnh còn khó khăn như Quảng Trị, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội vẫn còn một số bất cập và hạn chế. Ðời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Số lượng hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội (không có khả năng thoát nghèo) còn cao (4.130 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,14% so với tổng số hộ nghèo).

Ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp, đơn vị khu vực ngoài nhà nước, dẫn đến còn tình trạng trốn đóng BHXH; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp (13,90%). Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức (Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chỉ đạt 0,45%).

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (toàn tỉnh hiện cần nhu cầu đầu tư 1.121 phòng học; 1.070 phòng thực hành, phòng bộ môn; 1.298 nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên; 449 phòng ở công vụ giáo viên và nhiều phòng làm việc hiệu bộ khác). Chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu của thị trường lao động; số lượng lao động nông thôn thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật tham gia học nghề chưa nhiều. Một số nơi thực hiện công tác đào tạo nghề chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả sau đào tạo dẫn đến chọn nghề đào tạo không phù hợp hoặc đào tạo xong không sử dụng được, thiếu việc làm.

Nhiều chương trình hỗ trợ về nhà ở được triển khai cùng một thời điểm, đối tượng thụ hưởng đa số là hộ nghèo, nguồn vốn hỗ trợ không lớn, dó đó, nhiều đối tượng thụ hưởng không có khả năng tự huy động vốn nên không thể tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở. Cơ sở vật chất của hệ thống thông tin cấp cơ sở được đầu tư nhỏ lẻ, trang thiết bị lạc hậu. Việc xoá “xã trắng” về đài truyền thanh cơ sở hoàn thành.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy, chính quyền, không ngừng phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về an sinh xã hội. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, góp phần chăm sóc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải quyết tồn đọng về xác nhận người có công qua các thời kỳ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình về Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm, giảm nghèo bền vững, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trợ giúp xã hội đối với nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tiêu cực. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh xã hội; gắn công tác an sinh xã hội với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới... góp phần nâng cao hiệu quả và độ bền vững của các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Lê Duy

672 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 613
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 613
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76735911