Kết quả sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư ở tỉnh Quảng Trị 

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, ngay sau khi Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 28-HD/BTGTW, ngày 28/01/2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới ban hành; tỉnh Quảng Trị đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW đến các cấp ủy, tổ chức đảng, các đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cán bộ, đảng viên và Nhân dân để triển khai thực hiện.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng đã từng bước được đổi mới về nội dung, hình thức; thường xuyên quan tâm chỉ đạo cung cấp và định hướng thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những vấn đề được dư luận quan tâm; đồng thời, tập trung tuyên truyền triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chủ động, tăng cường đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá. Kết quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ cấp tỉnh đến cơ sở thường xuyên được cấp ủy các cấp chủ động thành lập, củng cố, kiện toàn và phát triển; nhất là sau Đại hội Đảng bộ các cấp (tính đến 8/2022 toàn tỉnh có 05 đồng chí báo cáo viên cấp trung ương; 47 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh; 314 đồng chí báo cáo viên cấp huyện và tương đương) có cơ cấu hợp lý, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định; nhiều đồng chí có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công theo địa bàn phụ trách và theo lĩnh vực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được cấp ủy các cấp được quan tâm thực hiện. cấp tỉnh đã tổ chức 06 lớp tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền miệng cho 430 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện, cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp. Cấp huyện và tương đương tổ chức được 54 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở, kỹ năng tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên. Thông qua công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, báo cáo viên nắm được những kiến thức cơ bản, những kỹ năng giúp nâng cao năng lực hoạt động tuyên truyền miệng; việc cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo cho báo cáo viên được thiết lập bằng các hình thức đa dạng, kịp thời, thông qua việc chuyển tải các tài liệu liên quan như: Thông tin tổng hợp, Tài liệu sinh họat chi bộ, các ứng dụng công nghệ như mạng LAN, nhóm Zalobaocaovien, kết nối các Hội nghị trực tuyến báo cáo viên định kỳ hằng tháng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, mời các chuyên gia đầu ngành về thông báo thời sự, thông tin chuyên đề cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Trong 15 năm qua, đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy đã tổ chức tuyên truyền 3.101 buổi với 555 chuyên đề; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã tổ chức được hơn 2.800 buổi, 170 chuyên đề với hàng trăm ngàn lượt cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia..

Các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên như: Chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng; kết hợp các phương pháp truyền thống như nói chuyện trực tiếp, vận động từng người, từng nhóm người với việc sử dụng và huy động các phương tiện hiện đại để tăng cường các hoạt động tuyên truyền; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đi vào hoạt động nề nếp, đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đồng thời thường xuyên nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của mọi tầng Nhân dân trong xã hội; phản ánh kịp thời với cấp uỷ cấp trên để có hướng chỉ đạo. Qua đó góp phần làm cho chất lượng tuyên truyền miệng của tỉnh được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu thực tế, mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền miệng của toàn Đảng bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Việc thực hiện phương châm hướng về cơ sở, tăng cường thông tin về cơ sở ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác tuyên truyền miệng chủ yếu tập trung hoạt động ở các hội nghị. Lực lượng tuyên truyền viên được tổ chức ở cấp cơ sở, không có hệ thống dọc từ Trung ương, không có tổ chức chính thức (như báo cáo viên), mà chỉ hoạt động kiêm nhiệm, do vậy, hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện công tác, sinh hoạt cũng như tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và năng lực tuyên truyền của từng tuyên truyền viên. Việc đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng ở một số đảng bộ chưa rõ nét. Nhìn chung, phương thức hoạt động còn nặng về tuyên truyền một chiều từ trên xuống, chưa mạnh dạn sử dụng các phương pháp như đối thoại, trao đổi, thảo luận cũng như chưa kết hợp và sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ thiết thực cho công tác tuyên truyền.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động báo cáo viên. Hằng năm, cấp ủy các cấp tổ chức sơ, tổng kết đánh giá các mặt hoạt động công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng, chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, khuyết điểm. Việc lựa chọn nhân sự tham gia đội ngũ báo cáo viên các cấp phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng; đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn chức danh Báo cáo viên của Đảng, chú trọng đến phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, có điều kiện tham gia có hiệu quả nhiệm vụ báo cáo viên. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, phải kịp thời kiện toàn, củng cố đội ngũ Báo cáo viên; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền miệng; quan tâm hỗ trợ phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Hai là, duy trì và tổ chức tốt Hội nghị Báo cáo viên ở các cấp, Hội nghị Thông tin định kỳ đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện (tương đương) nghỉ hưu; thực hiện chế độ thông tin định kỳ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng tuyên truyền kết quả phát triển trên các lĩnh vực của đất nước và của địa phương, đơn vị, các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường thông tin thời sự, phổ biến giáo dục pháp luật. Tuyên truyền giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để chống lại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện của quê hương, đất nước.

Ba là, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tế của địa phương, đơn vị, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin tuyên truyền sát đúng, phù hợp với tình hình, bảo đảm tính thiết thực của nội dung thông tin.

Bốn là, nghiên cứu nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền; tăng cường cung cấp tư liệu thông tin, nhất là cung cấp kịp thời thông tin chính thống có tác dụng định hướng đối với các vấn đề, sự kiện được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động.

Năm là, tăng cường kiểm tra việc thực hiện Quy chế tổ chức hoạt động báo cáo viên. Tổ chức các Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện (và tương đương) để tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị, đội ngũ báo cáo viên học tập, chia sẽ kinh nghiệm về công tác tuyên giáo nói chung, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên nói riêng. Lệ Thu

 

305 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 995
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 995
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87026262