Kết quả sau 02 năm thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính Phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1722/QD-TTg, ngày 02-9-2016, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Qua hai năm triển khai thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg (từ 9/2016 đến nay), Quảng Trị đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm, phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Về y tế: Hàng năm, các địa phương đã mua và cấp trên 190.000 thẻ bảo biểm y tế cấp cho cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí trên 124,5 tỷ đồng; Trong 2 năm 2016-2017, Chương trình “Khám chữa bệnh cho người nghèo” của tỉnh đã hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và tiền viện phí cho trên 61.941 đợt điều trị với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng, qua đó đã cải thiện được khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế của người dân, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giảm từ 5,46% (năm 2016) xuống còn 2,51% (năm 2018); Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt bảo hiểm y tế giảm từ 29,42% xuống 23,19%.

Về giáo dục: Thực hiện miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập trên 65.500 lượt học sinh hộ nghèo với tổng kinh phí trên 28,4 tỷ đồng. Với các chương trình miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng khó, chương trình vay vốn đối với học sinh, sinh viên… trình độ giáo dục của người lớn, cũng như tình trạng đi học của trẻ em đã được cải thiện. Thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em biến động 2,32% trong toàn tỉnh (giảm từ 7,98% xuống 5,66 – năm 2016 so với 2018).

Về nhà ở: Thông qua thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015  về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng 451 nhà, sửa chữa 1.269 nhà theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg; hỗ trợ xây dựng 210 nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Tổng kinh phí thực hiện 66,5 tỷ đồng; Từ nguồn Quỹ ”Vì người nghèo” đã hỗ trợ xây dựng 550 nhà với kinh phí 19,26 tỷ đồng. Mặc dù vậy, chất lượng về nhà ở của người nghèo cải thiện không đáng kể, bên cạnh đó diện tích bình quân đầu người giảm so với đầu kỳ. Thiếu hụt về chất lượng nhà ở giảm 0,6% (từ 41,8% xuống 41,22%); thiếu hụt về diện tích bình quân/người trong hộ nghèo tăng từ 50,01% lên 52,65%.

Về điều kiện sống: Theo kết quả điều tra, hộ nghèo thiếu về điều kiện sống, do nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, bên cạnh đó do ảnh hưởng của lũ lụt, mưa bão, các công trình cấp nước sinh hoạt đang xuống cấp vì vậy tỷ lệ hộ nghèo không tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng 6,45% (tăng từ 35,03% lên 41,48%).

Về tiếp cận thông tin: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và lồng ghép Chương trình Giảm nghèo bền vững 2016 - 2017 của tỉnh Quảng Trị, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai: tổ chức các lớp đào tạo cho đối tượng cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở 12 đài truyền thanh; Nâng cấp 09 Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện; Nâng cấp 9 Trạm phát lại Truyền hình cấp xã; Xây dựng mới 03 Trạm phát lại Truyền hình cấp xã; Hỗ trợ, trang bị bộ phương tiện tác nghiệp thông tin và truyền thông cơ sở; Sản xuất 05 phim phóng sự, tài liệu tuyên tuyền, 21 chương trình truyền hình, 20 chương trình phát thanh; Phát lại 69 chương trình truyền hình và 55 chương trình phát thanh của Bộ Thông tin và Truyền thông… và 43.000 ấn phẩm thông tin, truyền thông về giảm nghèo.

Các chương trình nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin truyền thông được quan tâm, qua đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ cơ bản về truyền thông… Tỷ lệ hộ thiếu hụt khả năng sử dụng các dịch vụ viễn thông giảm từ 38,7% xuống 37,96%; và thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cấn thông tin giảm từ 19,44% xuống 17,29%.

Qua 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo do thiếu hụt khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản giảm: 8,70% trong toàn tỉnh; tuy nhiên đi vào từng tiêu chí cụ thể, nhiều tiêu chí vẫn có tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt từ 40% - 65% như về tiêu chí nhà ở, điều kiện sống; một số tiêu chí tỷ lệ thiếu hụt còn tăng so với đầu kỳ như về diện tích nhà ở và nguồn nước sinh hoạt… Thực trạng trên chính là những là thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian đến của các cấp, các ngành, các địa phương. Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, cần tập trung cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, phát huy hiệu quả những công trình đầu tư, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới vững chắc ở các xã nghèo, huyện nghèo. TL

867 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 770
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 770
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015673