Huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 23.457 tỷ đồng, tăng 2,71% so với cuối năm 2019. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên tổng dư nợ cho vay giảm 2,35%, đạt 35.073 tỷ đồng; nợ xấu tăng 407 tỷ đồng so với cuối năm 2019, chiếm 4,12%/ tổng dư nợ.
Đối với các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh:
- Cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ: Tổng số tiền cho vay đối với 117 chủ tàu, đạt 436,97 tỷ đồng. Dự nợ cho vay là 380,4 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 160,78 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thu nợ từ khi thực hiện Chương trình tín dụng này là 56,57 tỷ đồng.
- Cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ: Dư nợ cho vay ưu đãi lãi suất đối với huyện nghèo Đakrông là 39,37 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho vay 32,47 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 6,9 tỷ đồng.
- Về cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội: Nguồn vốn tín dụng được giải ngân cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, các đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, học sinh sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…, với tổng dự nợ (tính đến 15/4/2020) đạt 2.701 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19. Tính đến ngày 15/4/2020, số dư nợ bị ảnh hưởng hơn 2.275 tỷ đồng; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 167 khách hàng, với dư nợ hơn 302 tỷ đồng. Thực hiện cho vay mới để tiếp tục sản xuất, kinh doanh hơn 221 tỷ đồng. Lê Duy