Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức Hội Khuyến học đã phát triển khắp các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% xã, thị trấn, cơ quan có Hội, chi hội khuyến học; 252 dòng họ có Ban khuyến học; tổng số hội viên: 22.194 người, đạt 28,3% dân số toàn huyện.
Hoạt động khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo được các cấp uỷ, chính quyền chú trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội Khuyến học vận động, huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân xây dựng nguồn quỹ khuyến học của huyện, quỹ học bổng “Vòng tay đồng đội”. Hàng năm, các cấp Hội đã kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các cháu học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, sinh viên các trường Đại học tốt nghiệp loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, cán bộ, giáo viên có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng trào dạy và học...
Năm 2016, các cấp Hội đã tổ chức trao thưởng cho 9.190 lượt học sinh giỏi, học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh; 16 học sinh đạt giải cấp quốc gia; 18 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; 13 thạc sĩ; 30 giáo viên và 5 đơn vị trường học với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.
Các cấp Hội cũng đã kịp thời quan tâm động viên, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2016, các cấp Hội đã trao 697 suất học bổng, 76 xe đạp, đỡ đầu dài hạn 98 em, tiếp sức đến trường cho 45 cựu sinh viên với số tiền trên 560 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm trao 202 suất học bổng, 180 suất quà cho học sinh nghèo vùng khó, 50 xe đạp, đỡ đầu dài hạn 54 học sinh, tiếp sức đến trường cho 28 tân sinh viên với tổng kinh phí 651,5 triệu đồng.
Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng, đơn vị khuyến học, xây dựng các mô hình học tập ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 13.974 hộ được công nhận gia đình hiếu học (chiếm 85,05%); 217 dòng họ được công nhận dòng họ hiếu học (chiếm tỷ lệ 91,5%); 108 Trung tâm học tập cộng đồng được công nhận cộng đồng học tập (chiếm 85%); 69 đơn vị được công nhận đơn vị học tập (chiếm 89,6%).
Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của caá Trung tâm học tập cộng đồng. Đến nay, 21/21 xã, thị trấn có Trung tâm HTCĐ, 132/132 nhà HTCĐ thôn, khu phố được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất khá đảm bảo. Các Trung tâm đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư, Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, hội thảo, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thưnờg xuyên huyện tổ chức dạy nghề cho người lao động về cạo mủ cao su, chăm sóc cây hồ tiêu, trồng hoa, chế biến món ăn... Hàng năm các Trung tâm HTCĐ đã mở được từ 350-400 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuạt mới cho hơn 13.700 lượt người tham gia.
Với nhiều biện pháp vận động tích cực, các cấp Hội Khuyến học của huyện Gio Linh đã đẩy mạnh phong trào xã hội hoá giáo dục, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương trong tình hình mới. T.Trang