Kết nối và đối thoại với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu 

(ĐCSVN) – Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam bao gồm xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam.

 

 

Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2019 với chủ đề Kết nối và đối thoại cùng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh: K.D)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa, chiều 11/7, tại Hà Nội, Công ty Reed Tradex phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2019 với chủ đề Kết nối và đối thoại cùng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2019 với sự ra đời của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup và đặc biệt là thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành điện tử Việt Nam. Theo báo cáo tại một hội thảo về phát triển ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017). Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam phần đông là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần nắm bắt cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng nhận định: Quá trình toàn cầu hóa được đẩy lên nhanh chóng tại khắp các quốc gia đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất ngay tại thị trường nội địa, kể cả Việt Nam khi xuất hiện ngày càng nhiều các nhà cung cấp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chính như: công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, hàng không, kỹ thuật cơ khí…

Do đó, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương chúng ta cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành điện tử - một ngành mũi nhọn của nền kinh tế. “Bên cạnh đó, các hoạt động giúp nâng cao năng suất cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy liên kết các chuỗi cung ứng trong nước, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI của ngành điện tử trong khu vực và trên thế giới là vô cùng cần thiết và quan trọng” – bà Hương nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi những cơ hội, thách thức của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đồng thời kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử tham gia đối thoại, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển. Theo Ban tổ chức, Diễn đàn Điện tử Việt Nam là sự kiện tiền Triển lãm Quốc tế NEPCON Việt Nam 2019-triển lãm về công nghệ thử nghiệm, thiết bị và công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, sẽ diễn ra vào tháng 9-2019, tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và 7 gian hàng quốc tế từ các quốc gia công nghệ hàng đầu như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…/..

Kim Dung

255 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 728
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 729
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77589664