|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị |
Ngày 11/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 5 năm (2015 – 2020).
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sau 5 năm triển khai, Chương trình đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng tại những địa bàn khó khăn. Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo còn hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, chương trình đã nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo; Xây dựng mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại một số địa bàn như Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đáng lưu ý, giai đoạn 2015-2020, chương trình cũng đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, những hoạt động đa dạng, phong phú, liên tục của chương trình trong 5 năm qua đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống chính sách; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương. Đồng thời, tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo...
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải và Trưởng Ban Hợp tác Việt Nam - Liên Bang Nga Vũ Khắc Nguyên thăm gian hàng OCOP Sơn La trong khuôn khổ chương trình
|
Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết, những năm qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng với các địa phương khu vực miền núi núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã bước đầu triển khai chương trình tương đối hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định. Nhiều địa phương đã ban hành chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại, phát triển sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân.
Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo làm cơ sở để xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, pháp luật đặc thù về phát triển thương mại khu vực biển và hải đảo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương qua các năm cũng đã phối hợp và cấp kinh phí cho một số địa phương kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo.
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm thế mạnh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng, bà Lê Việt Nga cho biết, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các đề án, dự án liên kết tiêu thụ, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Thông qua các đề án, dự án đã giúp nâng cao hình ảnh, thương hiệu, chất lượng hàng hóa, đồng thời hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản ổn định, xây dựng thương hiệu và giá trị cho nông sản ở thị trường trong nước và quốc tế, từ đó giúp ổn định đời sống của những địa bàn còn nhiều khó khăn của địa phương. Đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi của một số địa phương đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến.
Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cũng chỉ ra những khó khăn từ việc kinh phí cấp từ ngân sách Trung ương cho thực hiện Chương trình còn rất thấp so với nguồn kinh phí đã được phê duyệt tại Quyết định 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 (mới cấp được khoảng 15% so với kinh phí được phê duyệt tại Quyết định 964/QĐ-TTg), chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế (khoảng 49%), không có nguồn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Hơn nữa, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (Trung ương), các địa phương cũng chưa bố trí, phân bổ được nguồn vốn riêng cho Chương trình mà chỉ thực hiện lồng ghép với các chương trình khác có liên quan (mới có 2/48 tỉnh/thành phố có báo cáo về việc bố trí kinh phí riêng cho chương trình).
Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng chưa thu hút được các nguồn vốn hỗ trợ khác để thực hiện chương trình được hiệu quả và toàn diện. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình còn hạn chế, chưa triển khai rộng rãi được khắp các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, chưa tạo được sự tương tác và bổ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.
“Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này. Ngoài ra, các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình” – bà Lê Việt Nga khẳng định./.