Kết nối thông tin y tế từ 12.000 trạm y tế xã – Biến giấc mơ thành hiện thực 

(Chinhphu.vn) – Từ 54 đầu sổ lớn nhỏ về các thông tin liên quan sức khỏe của người dân trong xã, hay 13 phần mềm khác nhau được quy về một mối trên giao diện điện tử. Đó là giấc mơ trở thành hiện thực đối với y tế tuyến xã.

 

Nhân viên y tế của Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình triển khai cập nhật thông tin y tế của người dân trên địa bàn xã trên nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Từ chồng chất sổ sách…

Y tế tuyến xã là đơn vị cơ sở của hệ thống y tế. Tại đây, thu thập tất cả các thông tin liên quan đến sức khỏe của người dân như dân số, tiêm chủng mở rộng, sức khỏe sinh sản, phòng bệnh truyền nhiễm, phòng bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh, quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… Tất cả những nội dung này đều phải ghi chép lại với một số lượng sổ sách khổng lồ.

Để quản lý và theo dõi thông tin y tế của người dân trong xã, nhiều năm nay, 6 cán bộ tại trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, phải thường xuyên thay nhau ghi chép các thông tin với 54 đầu sổ lớn nhỏ. Hằng tháng, hằng quý và hằng năm, mỗi người phải dành vài ngày, thậm chí cả tuần, để tổng hợp các thông tin làm báo cáo. Ngoài công tác chuyên môn là chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân thì việc ghi chép thông tin, cộng, trừ mỗi ngày, khiến nhiều cán bộ y tế tuyến xã rất vất vả.

Y sĩ Lê Thị Lan, trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, chia sẻ, bản thân chị công tác tại trạm và phải quản lý thông tin y tế của người dân với 12 đầu sổ A3. Mỗi một mảng có 1 sổ lớn, thậm chí có mảng còn phải kèm tới 2-5 sổ bé. Ví dụ, mảng chăm sóc sức khỏe sinh sản gồm: 1 sổ đẻ, 1 sổ khám thai, 1 sổ khám phụ khoa, 1 sổ thăm bà mẹ sau đẻ, 1 sổ theo dõi các biện pháp tránh thai, 1 sổ đặt vòng, 1 sổ tiêm thuốc tránh thai…

“Bệnh nhân đến khám hay lấy thuốc phải chờ rất lâu vì chúng tôi phải tìm sổ, hỏi thông tin, viết tay vào sổ… rồi mới có thể khám và kê đơn thuốc”, chị Lan chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Long, trước đây, mỗi cán bộ nhân viên của Trạm phải mất rất nhiều thời gian cho việc ghi sổ sách. Việc này vừa tốn kém vừa thiếu chính xác, vì tất cả đều làm thủ công bằng tay. Đã không ít lần, Trạm bị cơ quan Bảo hiểm xã hội xuất toán vì nhầm lẫn trong thủ tục hành chính ghi chép.

“Mỗi ngày, trạm tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân đến khám và lấy thuốc. Tuy nhiên, do việc ghi chép thủ công nên có hôm người bệnh phải chờ đến 11-12h trưa mới đến lượt. Nơi đây cũng là nơi xả lũ của Hà Nội, mỗi lần xả lũ, nước ngập tới nửa trạm, chúng tôi phải mang hồ sơ gửi nhờ trường học, nếu giấy tờ bị ướt, rách nát thì coi như mất hết thông tin”, bà Trần Thị Hồng chia sẻ.

 … đến giấc mơ thành hiện thực!

Đại diện Trung tâm y tế huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cho biết, trong huyện có 7 trạm y tế xã thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng nhiều xã phải quản lý lý tới hàng chục phần mềm. Mỗi nội dung thông tin y tế của người dân trong xã được cập nhật trên phần mềm khác nhau. Đơn cử, Trạm y tế xã Tân Thành đang quản lý tới 13 phần mềm khác nhau. Các phần mềm này thuộc nhiều đơn vị cung cấp khác nhau. Vì vậy, dữ liệu thông tin không thể liên thông, kết nối, rất bất tiện cho nhân viên y tế tuyến xã.

Theo ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, khó khăn của Trạm y tế xã Đức Long và xã Tân Thành cũng chính là khó khăn chung của gần 12.000 trạm y tế xã trên cả nước. Các thông tin y tế từ tuyến xã rất quan trọng, đó là những số liệu thật, đồng thời cũng là cơ sở để quản lý và chăm sóc hiệu quả nhất các vấn đề về sức khỏe của người dân.

Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20), nhằm quản dữ liệu thông tin y tế của tất cả các trạm y tế xã trên cả nước một cách tập trung nhất. Trên cơ sở đó, sẽ hỗ trợ các bác sĩ tuyến cơ sở nâng cao năng lực khám chữa bệnh, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, đồng thời nâng cao khả năng phân tích, và đưa ra dự báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân.

Ông Hà Anh Đức cho biết, phần mềm này sẽ kết nối dữ liệu thông tin y tế của gần 12.000 cơ sở y tế tuyến xã trên cả nước. Đặc biệt, nền tảng này có thể tích hợp nhiều phần mềm của nhiều đơn vị cung cấp khác nhau, để tập trung dữ liệu về một đầu mối. Nền tảng được chia thành 4 cấp: Bộ Y tế, các Sở Y tế, Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã.

"Nền tảng V20 được đặt tại cơ quan Trung ương là Bộ Y tế. Cơ quan quản lý sẽ nắm được thông tin và thực hiện quản lý tất cả trạm y tế xã trên toàn quốc thông qua nền tảng này. Nền tảng này cũng sẽ được phân cấp phù hợp với chuyên môn của từng đơn vị từ Sở Y tế, đến Trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã”, ông Hà Anh Đức cho biết.

Y sĩ Lê Thị Lan, Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - nơi đã được tập huấn ứng dụng trên nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở, chia sẻ, bước đầu khi triển khai phần mềm, chị còn rất lúng túng do thao tác chưa quen. Tuy nhiên, khi các thông tin được đưa lên nền tảng này, chị cảm thấy đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước, tiền sử và hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đều được lưu giữ tập trung, không còn phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, từ đó chị có nhiều thời gian hơn để khám cho bệnh nhân.

Đại diện Trung tâm y tế huyện Kim Sơn - nơi chưa được tập huấn, cũng chia sẻ, nếu nền tảng V20 giải đáp được những khó khăn trên của các trạm y tế tuyến xã thì đúng là “giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực”.

Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, một trạm y tế phải quản lý rất nhiều phần mềm nhưng không thể liên thông dữ liệu được với nhau. Nếu tiếp cận được nền tảng V20 theo đúng chức năng trên, sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vất vả cho y tế tuyến cơ sở, đồng thời Sở Y tế cũng sẽ có những số liệu thật để phát triển các mảng khác trong tương lai.

Hiện nay, Bộ Y tế và đơn vị xây dựng nền tảng V20 đã tập huấn cho khoảng 60% các trạm y tế xã trên cả nước. Từ nay đến cuối tháng 12, Bộ sẽ hoàn thành tập huấn cho toàn bộ các trạm y tế xã.

Dự kiến, ngày 30/12 tới, Bộ Y tế sẽ khai trương nền tảng này với dữ liệu được đồng bộ trên cả nước ở 5 nội dung thông tin: Tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh, thống kê, dân số và tai nạn thương tích. Theo quyết định của Bộ Y tế, nền tảng này sẽ hoàn thiện và kết nối tới 22 nội dung thông tin của các trạm y tế xã trên cả nước.

Hiền Minh

383 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1160
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1160
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153750