Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: HNV)

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019”.

Tìm cách làm sáng tạo, độc đáo của mỗi địa phương

Ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ năm 2013 với 48 sản phẩm và 40 đơn vị tham gia thì đến tháng 9/2019 đã có 164 đơn vị và 412 sản phẩm OCOP, 196 sản phẩm đạt sao. Đây là những đặc sản có thế mạnh, mang thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh, là món quà đặc trưng vùng miền cho khách du lịch, sản phẩm tin cậy của người dân, là nguồn hàng để xúc tiến thương mại trong tỉnh và xuất khẩu tại chỗ, hạn chế hàng hóa không rõ nguồn gốc... Chương trình OCOP thực sự đã mang lại hiệu quả rõ nét, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…

Cũng theo ông Lê Hồng Giang, thời gian qua, Quảng Ninh đã xóa bỏ rào cản về khoảng cách địa lý tạo cơ hội để sản phẩm vươn xa, phát triển hạ tầng giao thông, thương mại để mở ra những đường mới cho sản phẩm. Bên cạnh đó, Quảng Ninh quan tâm, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương rộng rãi trên nhiều thị trường. Hình thành hệ thống chuỗi 29 Trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức từ 2-3 hội chợ OCOP thường niên cấp tỉnh hàng năm…Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố tổ chức… Đáng chú ý, cơ chế chính sách xúc tiến thương mại được tỉnh đặc biệt quan tâm như: Nghị quyết số 148 ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại…

Nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền được giới thiệu (Ảnh: HNV)

Đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Kạn chiếm 86% tổng dân số địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho người dân nâng cao năng lực, hoàn thiện sản phẩm, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó có việc triển khai chương trình OCOP. Đến nay, đã có 56 tổ chức cá nhân tham gia với 76 sản phẩm đăng ký, trong đó có 32 sản phẩm đã được gắn sao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tham gia các hoạt động trong tỉnh và các tỉnh bạn. Thu nhập của các tổ chức kinh tế tăng cao từ  1,5 – 2 lần.

Bên cạnh những cơ hội, các sản phẩm OCOP còn đối mặt với nhiều thách thức. Các địa phương cho biết, sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ mở cửa yêu cầu các sản phẩm vừa phải giữ được những nét đặc trưng riêng vừa phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng khâu sản xuất mà còn phải cực kỳ nhạy bén trong khâu tìm hiểu thị trường, marketing sản phẩm…

Xây dựng và phát triển thương hiệu Việt

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trở ngại trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền; các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đưa ra những yêu cầu từ thị trường đối với các sản phẩm đặc trưng vùng miền, một số biện pháp nhằm phát triển thương hiệu đặc sản, kết nối thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã…

Chia sẻ những yêu cầu từ thị trường với các sản phẩm đặc trưng vùng miền, ông Vũ Hòa, Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê cho biết: Để sản phẩm đặc trưng vùng miền có thể tiếp cận các kênh phân phối, những yêu cầu về đủ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm do Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp. Bên cạnh đó, thông tin trên nhãn bao bì phải ghi rõ thành phần, tỷ lệ phối trộn, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc…

Ông Vũ Hòa cho rằng, mỗi sản phẩm đặc trưng vùng miền nên có câu chuyện riêng để tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác, từ đó, sẽ tạo và tăng cảm xúc mua hàng của khác hàng. “Câu chuyện sản phẩm” nên viết thật ngắn gọn, phải gắn liền với nét đặc trưng nổi bật của vùng miền đó về văn hóa, ẩm thực, hoặc nguồn gốc ra đời. Nghệ thuật thiết kế bao bì và đóng gói sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là vấn đề mà các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến. “Thiết kế bao bì cho sản phẩm đặc trưng vùng miền nên gắn với nét văn hóa của dân tộc, vùng miền đó để tạo cảm xúc tò mò, trải nghiệm đối với khách hàng. Thiết kế bao bì không nên quá nhiều màu sắc, điều quan trọng là phải làm nổi bật được thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng”, ông Vũ Hòa nhấn mạnh.

Nhân dịp này, các vấn đề logistics, liên kết cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận. Theo đó, các đơn vị sản xuất nên liên kết lại với nhau để sử dụng chung dịch vụ, có như vậy sẽ tích kiệm chi phí. Thành lập “Liên minh các nhà cung cấp thực phẩm an toàn” để tạo sức mạnh cạnh tranh lành mạnh cũng được các chuyên gia khuyến nghị tại đây.

Trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra lễ kết giao thương kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa các doanh nghiệp./.

Lê Anh