Kết nối đầu tư dành cho các startup Việt Nam 

(ĐCSVN) - Năm 2016 được Chính phủ lựa chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp”. Mặc dù hoạt động khởi nghiệp đang ngày càng phát triển, các chương trình kêu gọi đầu tư cho khởi nghiệp ngày càng nhiều tuy nhiên, qua tìm hiểu “gọi vốn” vẫn luôn là một vấn đề hết sức khó khăn đối với các công ty khởi nghiệp non trẻ.

Khó khăn với các doanh nghiệp khởi nghiệp

Vài năm trở lại đây Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ITP) đã trở thành địa chỉ tìm đến của rất nhiều những bạn trẻ có ý định khởi nghiệp. Được hỗ trợ từ không gian làm việc, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đến việc kêu gọi vốn đầu tư, hoàn thiện sản phẩm… ITP đã nâng bước cho rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” lần thứ I - năm 2017

thu hút được 569 ý tưởng từ những người trẻ - Ảnh: Minh Châu

Mimosatek là một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp thông minh từ năm 2014, ban đầu chỉ có 2 thành viên. Ở thời điểm cực kỳ khó khăn, Mimosatek đã quyết định gõ cửa ITP, tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. Sau 4 năm, Công ty đã gặt hái được nhiều thành công. Phải kể đến các giải thưởng như quán quân cuộc thi Venture Cup 2015, quán quân cuộc thi Seedstars World Việt Nam 2016; là một trong 7 start-up nông nghiệp nổi bật châu Á, giải thưởng một trong 80 Ag Tech start-up sẽ thay đổi tương lai nông nghiệp thế giới...

Tuy nhiên, những doanh nghiệp khởi nghiệp gặt hái được thành công và nhận được sự giúp đỡ từ những ngày đầu như Mimosatek không phải là nhiều. Qua theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đánh giá, khó khăn đầu tiên đó là các starup thường chưa sẵn sàng để gọi vốn, có thể xuất phát từ phía sản phẩm, thị trường, chiến lược nhưng nhiều khi còn là những thủ tục, nguyên tắc, điều kiện để gọi vốn.

Rất nhiều các khởi nghiệp gây được ấn tượng rất tốt với nhà đầu tư và nhận được cam kết đầu tư, tuy nhiên sau đó rất nhanh gặp vấn đề trong khâu thẩm định. Hoặc, rất nhiều công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công nhưng chính đó lại tạo thành nguyên nhân cho sự đi xuống, họ chưa sẵn sàng, chưa có một chiến lược và kế hoạch thực sự hợp lý để phát triển với khoản tiền quá lớn.

Khó khăn thứ hai không mới, chính là vấn đề tìm kiếm và kết nối với những nhà đầu tư phù hợp, không chỉ là những nhà đầu tư “có tiền” mà còn phải có chuyên môn phù hợp, không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn đồng hành cùng khởi nghiệp lâu dài.

Tạo thay đổi tích cực đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam

Thấu hiểu những khó khăn này, Startup Funding Camp (SFC) ra đời với mong muốn sát cánh cùng với khởi nghiệp Việt, tạo ra những thay đổi tích cực đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung.

Đây là chương trình kết nối đầu tư dành cho các startup mang tầm cỡ quốc gia do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo tổ chức. Chương trình hướng tới việc trở thành sự kiện đầu tư thường niên được mong đợi nhất bởi cộng đồng khởi nghiệp với quy mô, chất lượng chuyên môn hàng đầu và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

SFC hướng tới mục tiêu “Phát triển những khởi nghiệp mang tầm cỡ quốc gia”. Các nhóm và công ty khởi nghiệp được tham gia tuyển chọn trên cả nước và sau đó tham dự vào chuỗi sự kiện đào tạo và gọi vốn đầu tư. Đây là cơ hội rất lớn khi các nhóm và công ty khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận với nguồn lực tốt nhất trong cả nước với đội ngũ chuyên gia hàng đầu, nguồn vốn đầu tư dồi dào, mạng lưới doanh nghiệp và hệ thống đối tác trên khắp cả nước.

Trong năm đầu tiên được tổ chức, SFC 2018 có chủ đề: “Jumping to 4.0 - Tự động hóa và Dữ liệu thông minh" tập trung vào phát triển các ứng dụng nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh nhằm tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy...

SFC 2018 nhận hồ sơ online (ở địa chỉ www.Fundingcamp.vn) đến ngày 09/11/2018. Các startup giới thiệu về sản phẩm và kế hoạch khởi nghiệp của mình thông qua đơn đăng ký trực tuyến của chương trình, không giới hạn vùng miền và mức độ phát triển. Từ các hồ sơ tham dự này, Ban Tổ chức sẽ chọn ra 15 startup có kế hoạch và sản phẩm khả thi nhất để tiếp tục tham dự chuỗi hoạt đồng tiếp theo.

Tiếp đó, từ ngày 12/11 - 16/11/2018, 15 doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tham dự chương trình tư vấn chuyên sâu diễn ra tại Hà Nội. Trong 4 ngày, các đội sẽ được gặp gỡ và tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực Khởi nghiệp, Kinh tế - tài chính, Marketing, Công nghệ thông tin, Quản trị... Từ đó, các startup có thể tìm giải pháp khắc phục khó khăn và hoàn thiện mô hình kinh doanh, sẵn sàng cho Ngày hội gọi vốn của chương trình nói riêng và các cơ hội gọi vốn trong tương lai nói chung.

Kết thúc vào ngày 27/11/2018, 15 đội sẽ được tham dự 2 vòng gọi vốn gồm Gọi vốn công khai và Gọi vốn riêng. Trong đó, ở phiên công khai, các startup có cơ hội được trình bày về kế hoạch khởi nghiệp của mình với Ban Giám khảo, với các nhà đầu tư và đông đảo khán giả. Ở phiên gọi vốn riêng, các startup có cơ hội trình bày sâu hơn về công ty và sản phẩm của mình với đại diện các quỹ đầu tư và nhà đầu tư hàng đầu trong nước và quốc tế.

Sau chương trình, các đội sẽ tiếp tục được Ban tổ chức hỗ trợ và có cơ hội được tham gia các chương trình gọi vốn mang tầm vóc quốc tế.

Theo Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hiện chương trình đã thu hút được hơn 100 hồ sơ đăng ký và nhận được sự quan tâm từ hơn 10.000 thanh niên Việt Nam cùng nhiều quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước.  

Minh Châu

489 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 672
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 672
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77474768