Kết nghĩa bản - bản, tô thắm tình đoàn kết Việt – Lào 

Huyện Hướng Hóa có đường biên giới dài 126,638km, tiếp giáp với các huyện Sê Pôn, Noòng, tỉnh Savannakhet; huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và các cửa khẩu phụ. Toàn huyện có hơn 95 nghìn dân, bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%.

Sơ kết 15 năm kết nghĩa bản - bản, UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa tặng quà cho 3 bản

Phường, Đensavẳn, Ka Túp, huyện Sê Pôn (Lào)

Trong những năm qua, cùng với tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của quê hương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, bộ mặt đô thị trung tâm huyện lỵ cho đến các xã vùng sâu, vùng xa ngày một thay đổi, huyện Hướng Hóa luôn quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân đối với các huyện của nước bạn Lào. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới đã góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt – Lào nói chung; kết nghĩa Quảng Trị - Savannakhet; Hướng Hóa với các huyện bạn Lào nói riêng ngày càng gắn bó phát triển.

Từ cặp bản đối diện hai bên biên giới đầu tiên tổ chức kết nghĩa…

Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, Lê Bá Hùng cho biết, bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và bản Đensavẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) có chung đường biên giới. Bà con hai bản chủ yếu là người đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, có nhiều mối quan hệ thân tộc, dòng tộc, có truyền thống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong trong lao động, sản xuất, tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Hai bên cũng đã phối hợp giải quyết tốt các vấn đề về phong tục, tập quán, xâm canh, xâm cư, hôn nhân và gia đình, trao đổi thông tin tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Thực hiện kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa và thể theo nguyện vọng của Nhân dân 2 bên, ngày 28/4/2005, bản Ka Tăng (Việt Nam) và bản Đensavẳn (Lào) là cặp bản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ kết nghĩa ký kết Quy chế phối hợp bản – bản, gồm 12 nội dung ghi nhớ.

Qua hơn 17 năm thực hiện mô hình kết nghĩa, hai bản đã tổ chức giao ban hàng quý theo quy định. Hai bên cũng đã thường xuyên trao đổi tình hình an ninh biên giới; phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân hai bên biên giới thực hiện tốt chủ trương, đường lối của hai Đảng, chính sách, pháp luật của hai Nhà nước, nhất là các Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế biên giới, tạo điều kiện cho Nhân dân qua lại thăm thân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa.

 Đặc biệt, hai bản thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các sự kiện trọng đại của hai nước, hai địa phương, như: Tổ chức thăm hỏi chúc mừng Tết cổ truyền Việt Nam và Tết cổ truyền Bun Pi May (Lào); ngày hội đại đoàn kết toàn dân; ngày Quốc tế phụ nữ; luôn quan tâm hỗ trợ giúp đỡ nhau phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn. Năm 2022, bản Ka Tăng (Việt Nam) đã hỗ trợ bản Đensavẳn (Lào) 500kg gạo, hàng trăm suất quà, nhu yếu phẩm, 1000 cái khẩu trang, 500 chai nước sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19 và tiêu thụ hàng nông sản; bản Đensavẳn (Lào) hỗ trợ bản Ka Tăng (Việt Nam) 150kg nếp, 2 con lợn, 300 cây giống các loại...

Nhân rộng mô hình để phát huy hiệu quả

Từ hiệu quả mô hình kết nghĩa bản – bản đầu tiên giữa bản Ka Tăng (Việt Nam) với bản Đensavẳn (Lào) được tổ chức từ năm 2005, huyện Hướng Hóa đã nhân rộng  mô hình đến các xã, thị trấn Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Thanh, Thuận, Xy…Đến nay, huyện Hướng Hóa đã có 19 cặp bản đối diện hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa. Cụ thể, năm 2005 kết nghĩa 1 cặp bản, năm 2006 kết nghĩa 2 cặp bản, năm 2007 kết nghĩa 6 cặp bản, năm 2008 kết nghĩa 1 cặp bản, năm 2009 kết nghĩa 7 cặp bản, năm 2011 kết nghĩa 1 cặp bản, năm 2012 kết nghĩa 1 cặp bản.

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt Hồ Văn Vọng cho biết, năm 2007, bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản A Via, cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet tổ chức kết nghĩa bản - bản, với 12 nội dung ghi nhớ, 100% hộ gia đình tham gia.

Hơn 15 năm qua, hai bản đã tổ chức tốt hoạt động giao lưu Nhân dân hai bên biên giới. Hai bên đã phối hợp tổ chức 50 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân hai bản về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quy định của pháp luật mỗi nước, với  hơn 2.000 lượt người tham gia; tổ chức 52 đợt, với hơn 780 người dân tham gia cùng lực lượng chuyên trách của mỗi bên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.

 Nhân dân hai bản đã giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giồng cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách thức phòng trừ dịch bệnh, kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiên bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống người dân hai bên biên giới.

Lãnh đạo huyện Hướng Hóa và huyện Sê Pôn thực hiện nghi lễ mở lại Cửa khẩu phụ La Cồ - Tà Rùng

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, qua 15 năm (2007 – 2022) đã có 238 đợt với 2075 lượt người của hai nước tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Người dân hai bên đã cung cấp 6.314 nguồn tin, trong đó có 2.843 nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy. Đơn cử, năm 2021, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới và quần chúng nhân dân triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam, bắt quả tang 3 đối tượng cùng tang vật 46 kg ma túy đá.

Mô hình kết nghĩa bản - bản đã góp phần giúp đỡ người dân hai bên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và từng bước được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, kịp thời giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, giúp nhau khám chữa bệnh, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở.

 Các hoạt động đối ngoại biên giới, đối ngoại nhân dân luôn được tăng cường và mở rộng cả về hình thức và nội dung. Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới.

Thực tiễn qua triển khai mô hình kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới (tên gọi mới là “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”) đã khằng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của hai nước Việt Nam – Lào.

 Kết quả mô hình này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, Nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống Nhân dân hai bên biên giới và góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Lào nói chung, kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet, huyện Hướng Hóa với các huyện Lào có chung đường biên giới nói riêng mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Nguyễn Đình Phục

403 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1367
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1367
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156758