Tọa đàm "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài". Ảnh: VA
 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh, việc tổ chức Tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài” nhằm góp phần quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh đến với mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Đồng thời phân tích, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, những nội dung chủ yếu, cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh; khẳng định hiệu quả, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó tạo nhận thức chung về hành động, trách nhiệm của nhân dân, cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang về nhiệm vụ của quân đội trong việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
 

Các ý kiến tại tọa đàm đều khẳng định tính đúng đắn, sâu sắc của chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng; đánh giá cao kết quả đạt được của Quân đội trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế; đồng thời bày tỏ tin tưởng quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.
 

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, hiện đại hóa đất nước thể hiện chức năng “ba trong một” của quân đội. Việc này là sự tiếp nối truyền thống của dân tộc, phản ánh quy luật “dựng nước đi liền với giữ nước”, xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong điều kiện độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay.
 

GS.TS Hoàng Chí Bảo phân tích, thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước và qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho thấy vai trò quan trọng của quân đội không chỉ trong chiến đấu mà trong sản xuất và phát triển kinh tế. Từ thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, thời kỳ xây dựng mô hình nông trường quân đội, xí nghiệp quốc phòng, đội ngũ công nhân kỹ thuật quốc phòng không chỉ đáp ứng nhu cầu của quân đội mà cả trong đời sống dân sự.
 

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng khẳng định: Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng không phải là điều bản thân quân đội mong muốn, mà đây là chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho. Đây cũng không phải là việc làm kinh tế đơn thuần vì lợi nhuận mà kinh tế gắn liền với chính trị, với bảo vệ Tổ quốc, với xây dựng đất nước. Bao năm nay, nhiều văn kiện của Đảng đều ghi rõ quân đội có chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” như lời dạy của Bác Hồ.
 

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng phân tích: Có người viện dẫn nước nọ nước kia quân đội không tham gia làm kinh tế mà chỉ tập trung huấn luyện và coi đó như một "mô hình chuẩn" để Việt Nam học theo, làm theo. Trước hết, cần khẳng định rằng: Mỗi nước có một nền quốc phòng, một kiểu xây dựng quân đội khác nhau. Việc một số nước xây dựng quân đội nhà nghề, xây dựng nền quốc phòng để chi phối, xâm lấn nước khác, nên họ có phương thức xây dựng riêng và cách tổ chức riêng. Đối với nước ta từ nghìn đời nay luôn xây dựng nền quốc phòng tự vệ, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Vì vậy, chúng ta phải triệt để thực hiện chủ trương vừa xây dựng, vừa chiến đấu, vừa tham gia lao động sản xuất. 
 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho rằng: Mặt trận sản xuất và xây dựng kinh tế, dù không có tiếng súng, nhưng cũng đầy gian nan, thử thách. Dù trong hoàn cảnh nào, các đơn vị quân đội đã luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống anh hùng, kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ xây dựng kinh tế và quốc phòng an ninh, vượt qua biết bao khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đưa đơn vị có bước phát triển toàn diện, vững chắc. Từ khi hòa bình lập lại đến nay, các đơn vị quân đội chuyển sang làm kinh tế ngày càng phát triển, đi vào chất lượng, đảm đương những công việc quan trọng trên nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng đến ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định: Quân đội kết hợp với nhân dân, quân với dân một lòng thì sức mạnh được nhân lên gấp bội./.

 

Mỹ Anh