Kế hoạch thanh tra năm 2021 tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực 

(Chinhphu.vn) - Bộ Nội vụ vừa ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, Thanh tra Bộ và các đơn vị sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra.

 

Ảnh minh họa

Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, tiến hành thanh tra hành chính và các cuộc thanh tra chuyên ngành các nội dung: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bổ nhiệm viên chức quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiến hành thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Tôn giáo Chính phủ.

 

Tại các tỉnh, thành phố, Thanh tra Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện các cuộc thanh tra công tác quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị, như: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; xét tuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó; việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước của UBND tỉnh và việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của UBND các tỉnh: Quảng Nam, Kiên Giang, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Điện Biên.

 

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác thi đua, khen thưởng tại một số đơn vị như: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng của UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Long An, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Định và UBND TP Hồ Chí Minh.

 

Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND các tỉnh: Vĩnh Phúc, Gia Lai, Bến Tre, Ninh Bình và Phú Thọ.

 

Mục đích của hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

 Bộ Nội vụ yêu cầu Thanh tra Bộ Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, gắn với việc tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ; hoạt động thanh tra vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bám sát, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ, tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; hoạt động thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra.

 

LP

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

228 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1354
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1354
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87171427