Kế hoạch hóa gia đình rất cần thiết cho việc trao quyền cho phụ nữ
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Khánh Linh)
Thực tế trên đòi hỏi các chính phủ phải có khả năng thu thập và phân tích các xu hướng nhân khẩu học để hoạch định và thực hiện các chính sách đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Trong khi đó, các xu hướng nhân khẩu học lại bị ảnh hưởng bởi những quyết định cá nhân liên quan đến sinh sản. Trong bối cảnh này, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới là những yếu tố quan trọng.
Cách đây 26 năm, vào ngày 11/7/1987, công dân thứ 5 tỷ của thế giới đã chào đời tại Nam Tư. Sự kiện này được coi là dấu mốc cho sự bùng nổ của dân số thế giới. Một thế giới bùng nổ về dân số sẽ dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, môi trường ô nhiễm – những thách thức đối với tất cả các quốc gia. Chính vì vậy, tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển năm 1989, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày sinh của cậu bé thứ 5 tỷ (11/7) để kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới.
Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới hàng năm là dịp để các quốc gia cùng nhìn lại quá trình kiểm soát sự phát triển dân số, từ đó tiếp tục đề xuất những chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu dân số và phát triển trong chiến lược phát triển chung về kinh tế – xã hội. Đây cũng là dịp để thu hút sự chú ý của cộng đồng đến tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề dân số.
Dân số và phát triển
Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, lịch sử phát triển nhân loại cho thấy trong mọi hình thái kinh tế – xã hội, dân số là động lực, là trung tâm của phát triển. Những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển. Các nhà lãnh đạo và quản lý của nhiều quốc gia đã ngày càng nhận thức sâu sắc về sự ổn định quy mô dân số với sự gia tăng hợp lý. Điều đó sẽ giúp đất nước giảm bớt những căng thẳng về nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, quá tải dân cư đô thị..., từ đó tăng các nguồn lực đầu tư phát triển dài hạn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... cho người dân.
Tính toán của các nhà nhân khẩu học kinh tế cho thấy giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ phát triển dân số có mối tương quan chặt chẽ theo tỉ lệ nghịch. Như vậy, theo mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế – xã hội thì mỗi quốc gia phải xác định và khống chế tốc độ dân số ở mức hợp lý để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, đảm bảo khả năng tích lũy.
Theo ước tính, dân số thế giới sẽ đạt 8,6 tỷ người vào năm 2030, 9,8 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100.
Thực tế cũng đã cho thấy các xu hướng nhân khẩu học có ảnh hưởng quyết định trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy phát triển. Làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số và tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV; giáo dục, nâng cao vị thế của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới chính là những biện pháp thiết yếu góp phần xóa đói giảm nghèo.
Theo Liên hợp quốc, việc giảm tỷ suất sinh phụ thuộc phần lớn vào khả năng tự chủ của người nam giới và phụ nữ cũng như vào khả năng tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ sức khỏe sinh sản của họ.
Các quyền về sức khỏe sinh sản chính là nền tảng cho việc sinh con khỏe mạnh, các mối quan hệ thân thiết và các gia đình hạnh phúc. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi đứa trẻ đều được sinh ra theo ý muốn, đều được sinh ra an toàn, các thanh niên khỏe mạnh, phụ nữ và trẻ em gái được đối xử tôn trọng và bảo toàn nhân phẩm.
Để mở rộng phạm vi tiếp cận với các dịch vụ sinh sản, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ủng hộ các chính sách kế hoạch hóa gia đình, đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp chất lượng và ổn định các biện pháp tránh thai, giúp tăng cường hệ thống y tế quốc gia và thu thập dữ liệu để hỗ trợ các biện pháp can thiệp phù hợp. Quỹ cũng bảo đảm tinh thần lãnh đạo toàn cầu về việc cải thiện tiếp cận với kế hoạch hóa gia đình. Với mục đích này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tập hợp các đối tác, trong đó có các chính phủ, để phát triển chính sách địa phương và cung cấp hỗ trợ tổ chức, kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển.
Kế hoạch hóa gia đình là một phần của quyền con người
Năm 2018 kỷ niệm 50 năm Hội nghị Quốc tế về Quyền con người được tổ chức vào năm 1968. Tại hội nghị này, lần đầu tiên kế hoạch hóa gia đình được công nhận và khẳng định là một trong những quyền cơ bản của con người trên phạm vi toàn cầu. Văn bản cuối cùng của hội nghị, được biết đến với tên gọi Tuyên bố Tehran, nêu rõ: “Cha mẹ có quyền quyết định một cách có trách nhiệm số con và khoảng cách giữa các lần sinh con".
Từ đó, nhận thức của cộng đồng cũng có nhiều thay đổi. Phụ nữ và trẻ em gái không phải gánh chịu đến kiệt sức, cũng không phải chịu nguy cơ quá nhiều lần mang thai và mang thai quá gần nhau. Thay vào đó, nam giới và phụ nữ có quyền lựa chọn và quyết định việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Mỗi cá nhân có quyền xác định hướng và phạm vi tương lai của mình theo cách cơ bản này.
Điều này tiếp tục được ghi nhận trong Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) được tổ chức vào năm 1994. Chương trình Hành động này chính là cơ sở để UNFPA thiết kế và thực hiện phần lớn các hoạt động của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Dân số Thế giới năm nay (11/7/2018), Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết: Kế hoạch hóa gia đình không chỉ là vấn đề nhân quyền. Nó cũng rất cần thiết cho việc trao quyền cho phụ nữ, giảm nghèo và phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở các vùng đang phát triển, khoảng 214 triệu phụ nữ vẫn chưa có phương pháp lập kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả, vì lý do thiếu thông tin hoặc dịch vụ vì thiếu sự hỗ trợ từ đối tác hay cộng đồng. Những thiếu sót này đe dọa khả năng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng của họ.
Trong bối cảnh đó, UNFPA kêu gọi chính phủ thực hiện các cam kết đối với việc tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bao gồm kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, như đã thống nhất theo thỏa thuận tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển 1994 và trong Chương trình phát triển bền vững năm 2030. Bằng cách đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình, chúng ta đang đầu tư vào sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu phụ nữ vì các thế hệ tương lai.
Theo Liên hợp quốc, 9 tiêu chuẩn để bảo vệ quyền con người đối với kế hoạch hóa gia đình, như sau:
Không phân biệt đối xử: Thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình không thể bị hạn chế về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, liên kết chính trị, nguồn gốc quốc gia, độ tuổi, tình trạng kinh tế, nơi cư trú, khuyết tật, tình trạng hôn nhân.
Tình trạng sẵn có: Thông tin và phương tiện tránh thai phải sẵn có, đủ số lượng và đa dạng để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.
Khả năng tiếp cận: Các quốc gia phải bảo đảm rằng tất cả các sản phẩm và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đều có thể tiếp cận được bởi tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là các dịch vụ và thông tin phải có thể dễ dàng tiếp cận về mặt vật lý và với giá cả phải chăng.
Chấp nhận: Các dịch vụ và thông tin về tránh thai phải được cung cấp một cách nghiêm túc, tôn trọng cả y đức hiện đại và văn hóa của người dân tiếp nhận các dịch vụ này.
Chất lượng: Thông tin về kế hoạch hoá gia đình cần được truyền đạt rõ ràng và chính xác về mặt khoa học.
Thông báo việc ra quyết định: Về mặt sinh sản, mỗi người cần phải được trao quyền để lựa chọn một cách độc lập, không chịu áp lực, ép buộc hoặc che giấu thông tin.
Quyền riêng tư và bảo mật: Tất cả các cá nhân cần hưởng quyền riêng tư khi tìm kiếm thông tin và dịch vụ lập kế hoạch hóa gia đình.
Tham gia: Các quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm sự tham gia tích cực và các cá nhân được thông báo về các quyết định ảnh hưởng đến họ, đặc biệt là vấn đề sức khỏe.
Trách nhiệm: Các hệ thống y tế, hệ thống giáo dục, nhà lãnh đạo và người ra quyết định phải có trách nhiệm nỗ lực thực hiện quyền con người đối với kế hoạch hoá gia đình. |
Khánh Linh