Ngày 21/12, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả trọng tâm năm 2018 của hệ thống KBNN”.
|
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN tại cuộc họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN), bám sát chủ trương, quan điểm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tăng cường kỷ luật kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ… ngay từ đầu năm 2018, KBNN đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 04 nhóm giải pháp thực hiện với phương châm hành động là: “Tập trung nguồn lực thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa theo định hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao”.
Tính đến hết ngày 17/12, thu NSNN qua hệ thống KBNN năm 2018 đạt 1.406.136 tỷ đồng, trong đó thu trong cân đối đạt 1.278.753 tỷ đồng, bằng 96,93% so với dự toán năm.
Trong năm 2018, KBNN tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước để tăng cường công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt. KBNN các tỉnh đã thực hiện thông báo và cập nhật danh sách các tài khoản đến cơ quan thu và NHTM nơi mở tài khoản; truyên truyền và đặt biển báo, chỉ dẫn về địa điểm đặt POS tại trụ sở các đơn vị KBNN. Các giải pháp nêu trên đã góp phần tập trung nhanh nguồn thu, thanh toán chi trả kịp thời cho NSNN, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý ngân quỹ nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Về công tác kiểm soát chi NSNN, hệ thống KBNN đã kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác, đảm bảo tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao, đúng nội dung, tiêu chuẩn, định mức của nhà nước.
Đối với công tác kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ kiểm soát chi, KBNN đã báo cáo Bộ phê duyệt phương thức “thanh toán trước, kiểm soát chi sau” cho hợp đồng thanh toán nhiều lần (trừ lần thanh toán cuối cùng), theo đó đã rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2018 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, định kỳ, đột xuất hệ thống KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình kiểm soát chi vốn đầu tư công, trong đó có nêu rõ những nguyên nhân chậm giải ngân, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, biện pháp tháo gỡ.
Với những giải pháp trên, công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN năm 2018 đạt được một số kết quả khả quan.
Đối với chi thường xuyên, tính đến hết ngày 17/12, hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát chi đạt 785.160 tỷ đồng, bằng 80,4% dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên, các đơn vị KBNN đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán 12.900 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, số tiền thực từ chối thanh toán là 36,8 tỷ đồng. Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến hết ngày 17/12, giải ngân qua hệ thống KBNN đạt 244.973 tỷ đồng, bằng 62,8% so với kế hoạch vốn năm. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán 59,8 tỷ đồng.
Lãnh đạo KBNN thẳng thắn nhìn nhận rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư XDCB năm nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Nêu cụ thể các nguyên nhân, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN giải thích, việc chậm do nhiều nguyên nhân chính vướng mắc cơ chế chính sách.
Vì vấn đề này, từ tháng 4/2018, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì hội nghị đánh giá vướng mắc cơ chế đầu tư.
Hiện vẫn có các vướng mắc liên quan đến Luật Xây dựng, đặc biệt quá trình thẩm định các dự án, phê duyệt chậm.
Luật Đấu thầu vẫn còn có nhiều bước gây mất thời gian thực hiện. Ngoài ra còn nhiều vướng mắc liên quan đến đền bù giải toả đất đai, chậm bàn giao mặt bằng…
“Các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý linh hoạt đẩy nhanh triển khai dự án giải ngân vốn đầu tư”, ông Trần Mạnh Hà nói.
“Giờ đến cuối năm còn 1 tháng với khối lượng vốn cần giải ngân còn lại khá khó đạt mục tiêu, lãnh đạo Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, đôn đốc giải ngân các dự án, KBNN sẽ tích cực phối hợp triển khai”, ông Trần Mạnh Hà nói.
Về vấn đề thanh toán, lãnh đạo KBNN cho biết, đơn vị đã đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt các hệ thống thanh toán với Ngân hàng Nhà nước và các hệ thống ngân hàng thương mại; góp phần quan trọng trong công tác tập trung các khoản thu NSNN được chính xác, kịp thời…
KBNN đã kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để vừa đảm bảo mục tiêu cân đối ngân sách vừa duy trì mục tiêu phát triển thị trường, ổn định mặt bằng lãi suất chung, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Qua đó, KBNN gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ, hỗ trợ tích cực cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Với việc sử dụng ngân quỹ nhà nước (NQNN) cho ngân sách Trung ương (NSTW) vay trong năm 2018 thay cho phát hành TPCP ra thị trường giúp tiết kiệm gần 1.660 tỷ đồng chi phí trả lãi năm 2019 của NSNN. Nếu so với năm 2017, chi phí vay năm 2018 giảm, giúp tiết kiệm cho NSNN gần 2.540 tỷ đồng trả lãi hằng năm.
Các chỉ tiêu cơ bản về huy động vốn năm 2018, cụ thể: Kỳ hạn phát hành bình quân 12,75 năm (tương đương năm 2017); lãi suất phát hành bình quân giảm mạnh còn 4,73%/năm (giảm 125 điểm so với năm 2017); kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP cuối năm đạt 6,87 năm (tăng 0,16 năm so với năm 2017), góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững như chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Ngoài ra, qua các hoạt động hợp tác, KBNN tiếp tục giữ vững mối quan hệ với các định chế, tổ chức quốc tế uy tín và đối ngoại song phương với các quốc gia truyền thống; vị thế, vai trò của KBNN ngày càng được nâng cao trong các tổ chức, diễn đàn, cộng đồng mà KBNN tham gia; đồng thời, KBNN được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng thể chế, chính sách liên quan đến tài chính công, quản lý ngân sách, quản lý ngân quỹ, giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức các đơn vị trong hệ thống KBNN.
Huy Thắng