Dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thành phố Hà Nội và gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đọc diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: HH)
Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày đã khẳng định những công lao to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một danh tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) thành phố Hà Nội.
Trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là một tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược.
Trong những năm đầu hoạt động cách mạng, trong bối cảnh thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào, hoạt động công khai giữa lòng địch với muôn vàn hiểm nguy, gian khó, đồng chí vẫn luôn tỏ rõ quyết tâm “Sẽ làm hết sức để xứng đáng với tất cả đồng chí thân yêu, với tất cả những gì mà Đảng đã tin cậy đặt ở nơi mình”. Ba lần bị thực dân Pháp bắt giam, bị tra tấn hết sức dã man cùng với các chiêu trò dụ dỗ của chúng, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất, khí tiết kiên trung của người cộng sản, biến những ngày bị giam cầm thành những ngày rèn luyện và đấu tranh. Giữa ba lần bị địch bắt giam, dù phải trải qua thời gian dài mất liên lạc với tổ chức, nhưng đồng chí vẫn một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ, luôn vững một niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và tương lai tươi sáng của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với cương vị Chính ủy Chiến khu 2, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Chiến khu phát triển mạnh mẽ; vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, vừa tổ chức một số đơn vị “Nam tiến”, chi viện cho các mặt trận Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Từ cuối năm 1946 đến năm 1949, trong gần ba năm làm Cục trưởng Cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí đã có những đóng góp tích cực bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.
Đặc biệt, trong gần ba năm (từ năm 1951 đến năm 1953), trên cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, đồng chí đã chỉ huy Đại đoàn chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công xuất sắc trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ. Trước tuyến phòng thủ kiên cố, dày đặc của địch bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn dũng cảm và mưu trí đưa cả Đại đoàn trên một vạn quân vượt qua nhiều đồn bốt, sông ngòi, kênh rạch, tiến sâu vào trong lòng địch, sử dụng lực lượng thọc sâu táo bạo, tiêu diệt đầu não chỉ huy, đánh “nở hoa trong lòng địch”, làm cho quân địch choáng váng; góp phần làm đảo lộn thế chiến lược của đối phương trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp.
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã tập trung chấn chỉnh biên chế và chỉnh quân chính trị, nhằm nâng cao lập trường tư tưởng, trình độ nghiệp vụ theo phương hướng làm cho cơ quan nhẹ, khỏe, trong sạch, đủ sức tham mưu cho Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo toàn quân, toàn quốc kháng chiến, giành thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Văn Tiến Dũng luôn đi sâu, đi sát đơn vị và chiến trường để nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có những quyết sách đúng đắn trong xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của Quân đội ta. Được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, đồng chí đã tỏ rõ là một nhà cầm quân giỏi, một vị tướng tài ba, mưu lược, chỉ đạo giành thắng lợi lớn trên các chiến trường, tạo nên bước ngoặt có lợi cho ta trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là cuộc đối đầu quyết liệt giữa hai khối chủ lực mạnh của cả ta và địch. Bằng tài thao lược của mình, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch buộc địch từ thế tiến công chủ động ban đầu thành thế bị động; tập trung lực lượng bẻ gãy và đánh thiệt hại nặng từng cánh quân của chúng, tiến tới công kích địch trên toàn tuyến, truy kích quân địch rút chạy. Thắng lợi của chiến dịch này đã mở ra hiện thực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và “tác động mạnh mẽ đến cục diện chung của cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương”.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ra miền Bắc, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu giải quyết thành công nhiều vấn đề rất mới về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến đấu để đánh thắng địch; chỉ đạo Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 - một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, đánh bại cuộc tập kích bằng không quân mà chủ yếu là máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” thần kỳ.
Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975 là cuộc đấu trí căng thẳng giữa ta và địch về bày binh, bố trận. Với nghệ thuật nghi binh đặc sắc, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận chỉ huy lực lượng của ta đánh đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, làm cho cả hệ thống phòng ngự của chúng ở Tây Nguyên bị rung chuyển. Bằng những trận tiến công dũng mãnh, ta đã làm cho quân địch hoảng loạn, dẫn tới sai lầm chiến lược rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, đẩy cuộc chiến tranh chuyển sang bước ngoặt có lợi cho ta.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, với vai trò là Tư lệnh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Là một nhà chỉ huy quân sự dày dạn kinh nghiệm trận mạc, trong cuộc chiến đấu có tính chất quyết định này, Tư lệnh Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch bàn bạc, thống nhất chọn mục tiêu và cách đánh táo bạo, bất ngờ để thực hiện thành công quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị. Cùng với khí thế cả nước ra trận, ta đã nhanh chóng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ là vị tướng xông pha nơi trận mạc, đồng chí Văn Tiến Dũng còn là một nhà ngoại giao quân sự, nhà khoa học quân sự tài năng. Đồng chí đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu, cho ra đời nhiều tác phẩm quân sự có giá trị, giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra. Những nguyên tắc “địch thế nào, ta đánh thế”, “ta có gì đánh nấy”, “đánh thế nào, huấn luyện thế ấy”, hay quan điểm: “Đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị là một nguyên tắc cơ bản trong đường lối xây dựng Quân đội nhân dân của Đảng ta”, cùng nhiều quan điểm, kinh nghiệm mà đồng chí rút ra từ thực tiễn hoạt động phong phú, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, ôn lại thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao to lớn của đồng chí, chúng ta càng thêm tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - nơi có người chỉ huy tài ba và đức độ; tự hào về Thủ đô Hà Nội yêu dấu - nơi sinh ra người con ưu tú, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Học tập và noi gương đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng và các bậc tiền bối tiêu biểu, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; làm tròn nghĩa vụ kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang - tài sản vô giá mà các bậc tiền bối và các thế hệ cha anh đã đánh đổi bằng cả xương máu mới giành lại được; ra sức xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm. (Ảnh: HH)
Tại buổi Lễ, thay mặt Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Khuất Duy Tiến, 86 tuổi, từng có thời gian công tác tại Đại đoàn 320 do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn bày tỏ cảm xúc: “Nhớ về ông là nhớ về một vị tướng mưu lược có tầm nhìn xa trông rộng, đã phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, phù hợp với từng loại chiến trường và giành thắng lợi vẻ vang”.
Thay mặt thế hệ trẻ, Thượng úy Đỗ Trung Kiên, Phó Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Thiết giáp 47, Bộ Tư lệnh Thủ đô bày tỏ rất tự hào được sinh ra và lớn lên tại phường cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội - quê hương đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng và xin hứa không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; niềm tin vào sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; có ý chí phấn đấu vươn lên, không ngại khó khăn, gian khổ; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ chức phân công; quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là “lớp người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”./.
Minh Hòa