Kỷ niệm đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau 20 năm chia cắt Bắc- Nam 

VOV.VN - Đám cưới của ông Nghi và bà Hoa cách đây 46 năm là minh chứng cho tình yêu đôi lứa thủy chung, vượt qua sự tàn khốc, chia cắt của chiến tranh.

Ngày này, 46 năm trước (27/1/1973), Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết. Cầu Hiền Lương, giới tuyến tạm thời trên sông Bến Hải không còn là nỗi đau chia cắt non sông.

Đám cưới đầu tiên rước dâu qua cầu Hiền Lương sau khi hòa bình lập lại là đám cưới của ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

ky niem dam cuoi dau tien qua cau hien luong sau 20 nam chia cat bac- nam hinh 1
Ông Nghi và bà Hoa nắm tay nhau đi trên cầu Hiền Lương ôn lại kỷ niệm về đám cưới cách đây 46 năm.

Khi đất nước còn chia cắt, ông Nghi ở bờ Bắc sông Bến Hải thuộc làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh còn bà Hoa ở làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, phía bờ Nam sông Bến Hải.

Năm 1972, bà Hoa bí mật đưa quân ra miền Bắc dưỡng thương thì gặp người dân quân Hoàng Nghi. Tình yêu giữa cô du kích bờ Nam và anh dân quân bờ Bắc được nhóm lên trong khói lửa chiến tranh. 2 người ít được gặp nhau vì sự chia cắt đôi bờ. Người Bắc người Nam, đêm ngày thầm thương kín nhớ. Nhiều lần, ông Nghi tìm cách vượt sông giới tuyến vào Nam tìm gặp người yêu thương. Khi gặp được, cả 2 nghẹn ngào rơi nước mắt rồi cũng vội chia tay vì chiến tranh.

Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973. Cũng trong năm đó, ông Nghi vui sướng dắt tay bà Hoa đi qua cầu Hiền Lương trong lễ rước dâu, hai người chính thức về chung một nhà.

Ông Hoàng Nghi bồi hồi nhớ lại: Hai gia đình ra để đón dâu, sau khi chính thức thành vợ chồng xong thì hai ông bà đi bộ qua cầu Hiền Lương. Tôi có nhớ một bài thơ khi đi trên cầu “Sông Hiền Lương bên bồi, bên lở/Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/Cách nhau mười tám năm trường/Khi mô mới được nối đường vô ra/Bây giờ cầu lại bắc qua/Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình”.

46 năm đã trôi qua kể từ ngày đám cưới đầu tiên rước dâu qua chiếc cầu Hiền Lương sau ngày thống nhất, thỉnh thoảng, ông Nghi, bà Hoa vẫn dẫn dắt nhau lên cầu Hiền Lương ôn lại kỷ niệm xưa. Với ông Nghi, bà Hoa, đám cưới qua cầu Hiền Lương không chỉ là hạnh phúc của đôi uyên ương mà còn là niềm vui của đất nước khi đôi bờ không còn cách trở.

Bà Hoa nhớ lại, hồi đó hoàn cảnh khó khăn, lễ cưới của ông bà chỉ có nước chè xanh, một ít bánh kẹo: Mình nghĩ rằng nếu đi dân quân du kích bom đạn không thể nào sống nổi mà gặp nhau. Thống nhất rồi lấy nhau được rồi rất sung sướng. Nhớ lại đám cưới đầu tiên của mình thì thỉnh thoảng ra cầu ôn lại, 2 ông bà dắt nhau cùng con cái ra đó chơi, tuy già rồi nhưng hay nhắc lại với con cháu, kể rằng hồi xưa ông bà cưới hỏi như thế nào.

ky niem dam cuoi dau tien qua cau hien luong sau 20 nam chia cat bac- nam hinh 2
Ông Nghi và bà Hoa hiện có cuộc sống hạnh phúc bên con cháu.

Ông Đinh Như Quang, lúc đó Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhớ như in ngày Xã đoàn tổ chức đám cưới cho ông Nghi và bà Hoa. Tình yêu của 2 người vượt qua khói lửa bom đạn chiến tranh. Ông Đinh Như Quang kể lại, tiệc cưới lúc đó đơn sơ nhưng đầm ấm, nhiều người đến chúc phúc. Nơi tổ chức đám cưới được lợp vội tấm tranh tre, những thùng đạn làm bàn dựng tiệc cưới: Hai miền chỉ cách nhau một đoạn mà mấy năm chia lìa. Rồi bà con 2 bên gặp lại nhau ôm nhau trên cầu, niềm hạnh phúc của 2 anh chị cũng biểu hiện niềm hạnh phúc của đất nước nối lại 1 vòng tay, cảm xúc của ngày thống nhất.

Đám cưới của ông Nghi và bà Hoa là minh chứng cho tình yêu đôi lứa thủy chung, vượt qua sự tàn khốc, chia cắt của chiến tranh. Và cây cầu Hiền Lương trở thành điểm hẹn hạnh phúc cho 2 người./.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung
626 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 747
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 747
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76834983