Kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng 

“Ðề cương về văn hóa Việt Nam” (năm 1943) là một văn kiện lịch sử quan trọng - được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ; đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt với tầm nhìn chiến lược của Ðảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền về tay Nhân dân. Văn kiện này đã đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Tháng 2/1943, Đảng ta đưa ra bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Văn kiện ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phátxít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, bế tắc, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử. “Đề cương văn hóa Việt Nam” đã góp phần thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa của chủ nghĩa thực dân; tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

Bản Đề cương văn hoá Việt Nam được trình bày theo cấu trúc 5 phần: Phần thứ nhất: “Cách đặt vấn đề”; Phần thứ hai: “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần thứ ba: “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; Phần thứ tư: “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần thứ năm: “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam”.

Ngay trong phần Cách đặt vấn đề, Đề cương nhấn mạnh: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Như vậy, tư tưởng, học thuật, nghệ thuật là ba thành tố cơ bản, thuộc về văn hóa được lựa chọn để nhấn mạnh, bàn thảo trong Đề cương, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình cấp bách lúc bấy giờ. Việc lựa chọn, xác định phạm vi của văn hóa ngay trong phần “Cách đặt vấn đề” của Đề cương cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng, học thuật và nghệ thuật đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; với vận mệnh nước nhà và công cuộc vun đắp nền văn hóa mới phong phú, giàu bản sắc.

Tuy ngắn gọn, súc tích nhưng bản Đề cương văn hoá đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến. Bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hoá ngu dân của thực dân Pháp; nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa – tư tưởng; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá; vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa”. Dựa trên quan điểm mácxít, Đề cương nêu 03 nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc trên luôn thống nhất biện chứng không thể tách rời, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Đề cương văn hoá nhấn mạnh: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v.. Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”. Như vậy, có thể thấy bản “Đề cương về văn hoá Việt Nam” thể hiện rõ tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc.

Từ sau bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943), tư duy lý luận của Đảng về văn hoá ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận và năng lực đúc kết thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa nước nhà của Đảng những năm đầu đổi mới; chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và khoa học; đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào đầu năm 2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa. Đây vừa là kết quả của quá trình tiếp thu, đúc kết tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo trên mặt trận văn hóa của Đảng từ khi ra đời, đặc biệt là từ quá trình thực hiện Đề cương về văn hóa năm 1943; vừa là sự nhận thức nhạy bén về tình hình thực tiễn, là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới của một dân tộc có nền văn hóa “sâu rễ bền gốc”, tích lũy, chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa qua hàng nghìn năm lịch sử.

80 năm qua, dù hiện thực có nhiều đổi thay nhưng những tư tưởng, quan điểm mang tính định hướng được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện nay; một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa; một nước Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng” như mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Minh Huyền (TH)

611 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 957
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 957
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87212479