|
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: TTXVN
|
Lễ kỷ niệm bắt đầu với chương trình nghệ thuật, tái hiện cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người chiến sĩ kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca: “Tuy An nước lặng mây trôi/ Nơi sinh Trần Phú anh hùng Tú Phương”.
Đồng chí Trần Phú sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trên cương vị là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước. Tháng 7 năm 1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930, Luận cương Chính trị được thông qua, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung của Đảng và vai trò của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man. Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27, để lại niềm cảm phục, tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào.
Đồng chí Trần Phú hy sinh, nhưng tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, niềm tin tưởng, lạc quan cách mạng và lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí đã hoàn thành một khối lượng công việc to lớn, để lại cho Đảng ta, dân tộc ta những di sản vô cùng quý báu.
Hiện nay, một số tư liệu quý về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú được lưu giữ tại Di tích lịch sử quốc gia Thành An Thổ (nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú). Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
(theo TTXVN)