Bên thềm năm mới 2021, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm phát triển 2020 và giải pháp cho 2021 nhìn dưới góc độ tổng hợp, tham mưu và kiến thiết của ngành kế hoạch đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương (Ảnh: HNV) 

Phóng viên (PV): Có thể nói năm 2020, ngành KHĐT đã có những đóng góp khá tích cực trong việc triển khai “nhiệm vụ kép” mà Chính phủ đề ra “vừa kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế chung”. Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ KHĐT đánh giá thế nào về nhận định trên?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thống kê cho thấy, riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương (+2,91%), dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh. Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Năm 2020 còn đánh dấu chặng đường 75 năm lịch sử của ngành KHĐT (31/12/1945-31/12/2020). Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành KHĐT luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó nổi bật nhất là 03 nhiệm vụ chính trị then chốt, xuyên suốt cả chặng đường xây dựng và phát triển của ngành:

 Ngành KHĐT có một chặng đường 75 năm đầy vẻ vang (Ảnh: HNV)

Một là, thực hiện tốt chức năng cơ bản của ngành là quản lý nhà nước về công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội;

Hai là, thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng và Nhà nước về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội;

Ba là, thực hiện tốt vai trò “tổng tham mưu trưởng”, chủ trì, điều phối, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, nghiên cứu, xây dựng, tham mưu các giải pháp, chính sách trong điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các biến động của bối cảnh trong nước và quốc tế, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế.

Bộ KHĐT đón nhận danh hiệu cao quý – Huân chương Độc lập hạng Nhất (Ảnh: MPI) 

PV: Đâu là điểm nhấn của năm 2020 và trước thềm năm mới 2021, Bộ sẽ làm gì để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đà bứt phá cao hơn nữa trong vai trò là “Tổng tham mưu trưởng”, “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế như đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2021 là năm khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn.

Hiện, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cũng như đang chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn ngành KHĐT đang cố gắng thực hiện tốt theo căn dặn, đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng "trong bối cảnh đó, một lần nữa trọng trách lại được giao cho ngành Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hoạch định luật pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới" và xứng đáng với tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với truyền thống 75 năm bản lĩnh, trí tuệ, luôn tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, toàn ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng khen tặng tập thể và cá nhân ngành KHĐT có thành tích xuất sắc (Ảnh: MPI) 

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành với bản lĩnh, trí tuệ và sự đổi mới không ngừng nghỉ của mình, hơn lúc nào hết đã ngày càng khẳng định được vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”.

Cụ thể, ngành đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo hướng kiến tạo phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp, chính sách có tính chất nền tảng để nền kinh tế vững tin tiến về phía trước, nhất là Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia...

Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã yêu cầu, phương châm hành động chung toàn ngành chúng tôi trong giai đoạn tới là “Phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021-2025”.

PV: Vậy nếu nói giải ngân đầu tư công là động lực của tăng trưởng 2020, vậy năm 2021, động lực tăng trưởng sẽ là gì, xin Thứ trưởng thông tin chi tiết hơn?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Xin phép nói lại một lần nữa cho rõ, không thể khẳng định chắc chắn giải ngân đầu tư công là động lực của tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 dù rằng chưa bao giờ, tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11 là 329.868,24 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng); Ước giải ngân đến 31/12/2020 là 389.982,80 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 đồng). Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2016 đạt 80,3%,  năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%). Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch. Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến nay; có 17 Bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020 đạt trên 80%.

Năm 2020 ghi dấu ấn với nhiều hoạt động xã hội cộng đồng tích cực của Bộ KHĐT: Sáng kiến “Gậy trắng cho người mù”, lan tỏa chương trình “Sức sống Việt Nam”... (Ảnh: HNV) 

Phân tích cụ thể, chúng ta đều biết rằng, công thức tính GDP có 3 yếu tố gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, cả 3 yếu tố này đều có đóng góp vào tăng trưởng. Do đó, không thể nói kết quả tăng trưởng dựa vào 1 động lực duy nhất. Ở đây, có thể đề cập theo hướng, trong tất cả các động lực giúp tăng trưởng thì động lực nào đóng góp cao nhất và tích cực nhất. Riêng với năm 2020, có thể khẳng định đầu tư công là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Đơn cử, lấy ví dụ như thế này, GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP. Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công có một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất.

Bước sang năm 2021, Bộ KHĐT dự báo nước ta tiếp tục có thuận lợi, đó là: sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi rõ, minh chứng là sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại với mức 2 con số; nông nghiệp duy trì ổn định và giá trị gia tăng cao; dịch vụ có thể tốt hơn, đặc biệt là sự nở rộ của dịch vụ công nghệ số. Xuất khẩu có thêm kỳ vọng vào FTA mới với Anh vừa ký 29/11/2020 vừa qua ngoài EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác. Tất nhiên, vẫn phải lưu ý tới các yếu tố kìm hãm tăng trưởng, đó là: diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu.

Riêng với Bộ KHĐT, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công tác dự báo, thống kê nhưng cũng cần phải thống nhất rằng, dự báo có thể sai hoặc đúng, do đó, đừng kỳ vọng quá nhiều vào yếu tố này. Quan trọng là nhìn nhận xu hướng theo dự báo đó hợp lý hay không để có điều chỉnh chính sách và động thái hành động kịp thời, tùy bối cảnh bên ngoài và năng lực nội tại. Nói cách khác là, dự báo để thấy xu hướng và tính hợp lý còn kết quả phải theo thực tiễn diễn biến...

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

“Năm 2020, dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng đất nước ta đạt được những thành tích và dấu ấn đặc biệt. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không hề nhụt chí, lùi bước, mà càng đoàn kết hơn, quyết tâm hơn, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để có thành quả như ngày hôm nay. Thành quả đó tô điểm thêm cho tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam; nó chứng minh, không có khó khăn nào dân tộc ta không thể vượt qua, không thử thách nào nhân dân ta không dám đương đầu” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

 

 

 
Hà Anh (thực hiện)