Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gồm 17 xã của 3 huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng với diện tích tự nhiên gần 23.800 ha. Trong đó, phía Đông Bắc Cửa Việt là khu vực phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển, phía Tây Bắc Cửa Việt là đầu mối hạ tầng cấp vùng với trung tâm là Cảng hàng không Quảng Trị sắp được khởi công.
Vùng ven biển huyện Hải Lăng là phần lõi của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gồm các khu công nghiệp, khu hành chính, dân cư, du lịch, cảng nước sâu Mỹ Thủy, dịch vụ logistics, tài chính, ngân hàng, viễn thông; ngành công nghiệp, điện khí nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Trị và vùng Trung Bộ. Các khu vực, điểm nhấn trong khu kinh tế bổ sung, tương hỗ lẫn nhau góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo một vùng bãi ngang ven biển cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng cho tỉnh Quảng Trị.
Trong thời gian qua, xác định tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm chỉ đạo và ưu tiên đầu tư một số hạng mục công trình thiết yếu, tranh thủ sự giúp đỡ về vốn của Chính phủ để tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, gồm: đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị dài 23,5 km với tổng mức đầu tư 630 tỉ đồng.
Đầu tư xây dựng Khu tái định cư Hải Khê và đường vào khu tái định cư-giai đoạn 1 tổng mức đầu tư 252 tỉ đồng; đầu tư xây dựng Khu tái định cư xã Hải An-giai đoạn 1tổng mức đầu tư 72 tỉ đồng; rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tái định cư huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tổng mức đầu tư 49,85 tỉ đồng...
Đây là những hạng mục quan trọng nhằm tạo điều kiện và động lực cho phát triển các khu chức năng khác trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trong khu kinh tế đã triển khai một số quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng như: Khu công nghiệp đa ngành; khu phi thuế quan; khu dịch vụ, hậu cần cảng; khu đô thị; khu dịch vụdu lịch; khu phức hợp năng lượng... với tổng diện tích 11.660/23.792 ha, chiếm tỉ lệ khoảng 49% diện tích khu kinh tế.
Việc triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong khu kinh tế đã làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại nền kinh tế.
Thông qua việc hình thành các khu chức năng trong khu kinh tế cũng đã huy động được nhiều dự án có quy mô lớn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời, dịch vụ cảng biển nước sâu, logistics, du lịch nghỉ dưỡng, chế biến vật liệu xây dựng, nông lâm, thủy hải sản...
Trong đó, có các dự án trọng điểm mang tính động lực đang trong quá trình triển khai đầu tư, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh, giải quyết nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hiện nay, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã thu hút được lượng vốn đầu tư đáng kể với 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.150 tỉ đồng, diện tích thuê đất khoảng 257 ha; có hơn 30 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng dự án với tổng vốn đầu tư 150.464 tỉ đồng, diện tích thuê đất khoảng 2.612ha.
Trong đó, có nhiều dự án động lực quan trọng như: Trung tâm Điện khí LG Hải Lăng (1500MW) Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Quảng Trị (340MW), Cảng hàng không Quảng Trị, Khu bến cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, Kho cảng xăng dầu Hải Hà, Kho cảng Xăng dầu Việt Lào, Bến cảng CFG Nam Cửa Việt của Công ty TNHH CFG Quảng Trị (được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3088/QĐ- UBND ngày 28/12/2018), Cầu cảng số 4 thuộc Khu bến cảng Bắc Cửa Việt phục vụ cho tàu thuyền chở khách (được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 27/5/2021); Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics; Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế, Đường ven biển kết nối hành lang Đông-Tây..., qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn tỉnh nói chung và khu kinh tế nói riêng.
Theo BQL Khu kinh tế tỉnh, sau khi rà soát thực trạng sử dụng đất, tình hình thu hút đầu tư cũng như định hướng xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam trong tình hình mới đã phát sinh nhiều yếu tố mới tác động đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và định hướng phát triển khu kinh tế mà đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã phê duyệt trước đây chưa có. Đồng thời, đã nảy sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập trong việc triển khai thu hút đầu tư dự án nên đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc, không thể thực hiện được. Vì vậy, việc điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.
Ngày 16/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua và được UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch, nhằm xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện, du lịch, thương mại dịch vụ, logistics, cảng biển lớn của vùng Trung Bộ; hình thành nhiều ngành kinh tế mới, nuôi dưỡng sự chuyển đổi đô thị sẵn sàng cho tương lai theo định hướng khởi nghiệp và đổi mới tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để trở thành cửa ngõ kinh tế của Việt Nam ở miền Trung.
Việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tại Khu kinh tế Đông Nam hiện đã được tỉnh Quảng Trị giao cho Công ty Sakae Corporate Advisory Pte Ltd và Công ty Meinhardt Planners Pte Ltd (đơn vị tư vấn Singapore) trình bày ý tưởng. Tại ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị và định hướng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể khẳng định, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hội tụ đủ điều kiện để hình thành, phát triển khu kinh tế đa chức năng, từ đó tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, để khu kinh tế phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết, do vậy rất cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hoàn chỉnh về cơ cấu chức năng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các phân ngành, sản phẩm mũi nhọn chủ lực có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài.
Hà Trang