Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9/5, chia sẻ với PV Báo điện tử Chính phủ, các doanh nghiệp tại điểm cầu Đà Nẵng đã nêu những kiến nghị, mong muốn liên quan.
|
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Skyline, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang
|
Bà Lê Thị Nam Phương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống giáo dục Skyline, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. Đà Nẵng): Cải cách hành chính, đưa chính sách đi vào thực tế nhanh hơn
Tôi đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp để bàn giải pháp phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo tôi, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các địa phương cần phải có đánh giá lại mức độ thiệt hại, bị ảnh hưởng của từng doanh nghiệp một cách chính xác để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Việc lấy mốc từ ngày 1/4 để tính thiệt hại và áp dụng chính hỗ trợ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Bởi có nhiều doanh nghiệp, đơn cử như ngành giáo dục ngoài công lập, thực sự bị ảnh hưởng từ khi có dịch, tức là từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý.
Tôi cho rằng đây là cơ hội để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xốc lại nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh. Biết rằng, ngân sách của quốc gia cũng như các thành phần kinh tế và doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, thế nên tất cả chúng ta cùng chung tay góp sức chia sẻ khó khăn và cùng nhau vượt qua.
Để lập lại vị trí của mình trên bản đồ kinh tế của quốc gia và quốc tế, góp phần thay đổi vị thế của đất nước, cần phải cải cách các thủ tục hành chính. Về phía doanh nghiệp, tôi thấy rằng dù các cấp các ngành đã vào cuộc nhưng cảm nhận của doanh nghiệp vẫn còn là quá chậm khi đi vào thực tế cuộc sống, khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện vẫn còn lớn. Với tinh thần chung tay góp sức, doanh nghiệp cần tự lực cánh sinh nhưng rất cần sự hợp tác của từng cán bộ chuyên trách cho tới thành viên Chính phủ trong giải quyết các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiếp cận sớm nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Ông Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản&Thương mại Thuận Phước): Dịch bệnh là thách thức lớn, cũng là thời cơ lớn
Là 1 trong top10 doanh nghiệp thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, nằm trong chuỗi phân phối thực phẩm toàn cầu bao gồm từ nuôi tôm, chế biến, phân phối và cung ứng thực phẩm trên toàn thế giới , trong quý I, dù trong mùa dịch nhưng chúng tôi vẫn duy trì được tăng trưởng 10%. Chúng tôi đã liên hệ và gắn bó với các nhà phân phối trên toàn cầu để kịp thời cung ứng thực phẩm, nhất là đợt người dân các nước ồ ạt đi mua thực phẩm.
Để làm được điều đó là rất khó khăn với 1 doanh nghiệp có gần 3.000 công nhân phải sản xuất trong điều kiện chống dịch. Đến nay chúng tôi rất vui mừng vì Chính phủ đã nỗ lực rất lớn góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch bệnh là một thách thức lớn và cũng là thời cơ lớn. Các thị trường chúng tôi cung cấp thực phẩm là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc giao hàng bị hoãn, đầu ra khó khăn khiến chúng tôi chưa thể cung cấp cho các thị trường này được.
Tuy nhiên, người nông dân thì vẫn tiếp tục sản xuất, vẫn nuôi tôm nên chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất và bảo quản thành phẩm trong hệ thống kho hàng đông lạnh hiện đại. Chúng tôi đã chuẩn bị hệ thống kho hàng rất lớn với tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị cho khi nào giãn cách xã hội được nới lỏng thì cung ứng ngay cho thị trường để chuỗi sản xuất không gián đoạn.
Chúng tôi cám ơn Chính phủ thời gian qua đã có các gói hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thuế, tạo hiệu ứng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng như vậy thì chưa đủ. Như với doanh nghiệp nằm trong chuỗi toàn cầu như chúng tôi, hàng chưa bán được nên vốn chưa thu hồi lại được, trong khi nguồn vốn thu mua nguyên liệu từ nông dân rất lớn. Từ thực tế này, chúng tôi mong rằng sẽ có cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nâng hạn mức tín dụng nâng cao trong giai đoạn hiện tại, tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp có bước tạo bước chuyển tốt hơn trong giai đoạn hiện tại.
|
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel): Giải quyết vấn đề “tâm lý” và “chi tiêu thấp” để thu hút khách du lịch
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sử dụng sản phẩm của nhiều ngành kinh tế khác, do đó muốn phục hồi cần giải pháp tổng thể.
Đầu tiên, hệ thống cung ứng dịch vụ nhiều hệ thống đang bị đứt gãy, doanh nghiệp hầu như không hoạt động. Vì vây, tôi đề xuất trước mắt giảm 50% phí tham quan di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, vui chơi giải trí, để kích cầu.
Đối với hệ thống lưu trú thì việc giảm tiền điện sản xuất trong 3 tháng rất đáng hoan nghênh, nhưng vẫn nên nghiên cứu kéo dài chính sách này thêm ít nhất 1 năm vì chi phí điện đang chiếm đến 25-30% giá thành dịch vụ hiện nay, do đó sẽ giúp cho giá thành dịch vụ lưu trú giảm đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch.
Sau COVID-19, để hỗ trợ các doanh nghiệp, tôi cho rằng có thể giãn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 1 năm để doanh nghiệp có thời gian tích luỹ và phục hồi, đồng thời khách du lịch cũng có thể giảm được chi phí.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ cần có gói giải pháp, gói kích cầu, kết nối được các đơn vị cung ứng dịch vụ với nhau tạo ra chuỗi giá trị, để du khách được hưởng giá thành thấp nhất. Điểm mấu chốt hiện nay của khách du lịch là vấn đề “tâm lý” và “chi tiêu thấp”. Chỉ cần ta chứng minh được đây là điểm đến an toàn với mức chi tiêu thấp thì mới lôi kéo được khách du lịch.
Ông Phạm Bắc Bình (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng): Xem xét, điều chỉnh các chính sách về lãi suất, thuế, bảo hiểm phù hợp với tình hình mới
Khủng hoảng do dịch COVID-19 gây hậu quả lớn hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 2008, Nhà nước hỗ trợ 3% và Nhà nước sẽ trả lại cho ngân hàng. Còn trong dịch COVID này thì lãi suất do tự ngân hàng quyết định, ngân hàng là doanh nghiệp nên ngân hàng phải xem xét tất cả các mức lãi suất và sẽ hạ nhiều lắm là 0,5%. Có doanh nghiệp rơi trúng vào ngành nghề được hỗ trợ, nhưng có ngân hàng thì hỗ trợ lãi suất, có ngân hàng thì không. Vấn đề này khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn là tại sao doanh nghiệp lại không được hỗ trợ lãi suất như kỳ vọng.
Chính sách giãn thuế rất kịp thời và được cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh. Tuy vậy họ vẫn rất lo lắng vì tất cả số thuế này vẫn phải nộp vào cuối năm và chính điều này gây ra áp lực, sợ không đủ tiền nộp thuế và cũng là gánh nặng cho cơ quan thuế không thu đủ vào cuối năm. Vì vậy, Nhà nước cần chuẩn bị trước kịch bản và có chính sách gia hạn, điều tiết cho phù hợp.
|
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Boanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng. Ảnh: Báo VTC News
|
Hiện doanh nghiệp vẫn tốn một số chi phí nộp hàng tháng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Qua rất nhiều cuộc họp, về chính sách bảo hiểm, chỉ có doanh nghiệp giảm doanh thu trên 50% và người lao động nghỉ trên 50% thời gian làm việc thì mới được hưởng. Điều này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là chưa phù hợp vì doanh nghiệp không thể giảm doanh thu và người lao động cũng không thể nghỉ việc đến mức như vậy (doanh thu giảm 20-30%, lượng người lao động giảm 20-25% để duy trì tồn tại). Vì thế BHYT, BHXH cũng nên giãn ra như thuế để doanh nghiệp tồn tại và giữ được người lao động.
Qua hội nghị trực tuyến này, chúng tôi rất mừng vì Chính phủ vào cuộc rất đồng bộ, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Chúng tôi cũng hiểu rằng nguồn hỗ trợ của Chính phủ cũng có hạn, còn lại doanh nghiệp phải tự thay đổi, tự sáng tạo và nỗ lực bằng sức của mình. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp đã rút ra rất nhiều bài học và sẽ có nhiều doanh nghiệp nắm bắt những ngành nghề mới, có cơ hội mới.
Minh Trang