Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động chuyên gia pháp luật Fushihara Hirota cho biết, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế cũng như các vấn đề xã hội xung quanh câu chuyện xuất khẩu lao động.
Công ty xuất khẩu lao động “đem con bỏ chợ”
Đưa ra những dẫn chứng về xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Fushihara Hirota cho biết, theo pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản, công ty xuất khẩu lao động chỉ được phép thu các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Nhưng trên thực tế, phần lớn các công ty xuất khẩu lao động thu gấp 2 lần đến 3 lần số tiền này. Để có số tiền lớn như vậy, có nhiều lao động Việt Nam phải thế chấp nhà đất và vay với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, rất nhiều Nghiệp đoàn của Nhật Bản sang Việt Nam để xem Công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam làm ăn như thế nào hoặc phỏng vấn người lao động, lúc đó các chi phí như: Vé máy bay, khách sạn, ăn uống… và những chi phí khác cuối cùng cũng quy về tiền phí của người lao động phải đóng cho các công ty xuất khẩu lao động. Mặt khác, vẫn có tình trạng các công ty xuất khẩu lao động phải lót tay cho cơ quan chức năng. Như vậy người lao động phải nộp gấp 3 lần-4 lần so với quy định.
Nhiều công ty tiếp nhận của Nhật Bản gây ra không ít thiệt hại và khó khăn cho lao động Việt Nam, có những công ty tiếp nhận không trả tiền lương theo thỏa thuận, không trả lương ngoài giờ theo thực tế làm việc, bắt làm việc không lương.
Người lao động phần lớn chỉ khao khát muốn có việc làm, lương cao. Tuy nhiên, khi hết thời hạn lao động về nước lại thất nghiệp vì không thể áp dụng các công việc ở nước ngoài về Việt Nam.
Rất nhiều người Việt Nam đi xuất khẩu lao động về thất nghiệp lại muốn đi tiếp hoặc lại làm cho công ty xuất khẩu lao động hay lại trở thành người môi giới.
“Đáng lý, các công ty xuất khẩu lao động phải đóng vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động xuất khẩu; phải coi mình là chủ thể cung cấp một dịch vụ công cho công dân Việt Nam, thay mặt cho Nhà nước và xã hội, qua đó phải hỗ trợ và bảo vệ công dân Việt Nam được lao động một cách chính đáng. Tuy nhiên, họ lại “đem con bỏ chợ”, để người lao động bơ vơ nơi xứ người, khi gặp phải khó khăn, trắc trở trong công việc và cuộc sống, họ thực sự không biết bấu víu vào đâu”, chuyên gia Fushihara Hirota nói.
Xây dựng cơ hội phát triển nghề nghiệp ổn định và bền vững
Do đó, theo ông Fushihara Hirota, xuất khẩu lao động không phải là vấn đề căn cốt giải quyết việc làm mà phải tạo được việc làm cho người lao động ở chính đất nước của họ, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp ổn định và bền vững cho người lao động đi xuất khẩu lao động trở về đất nước của mình làm ăn sinh sống.
Từ đó, chuyên gia Fushihara Hirota đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động. Trước hết, Nhà nước cần quản lý chặt hơn lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Người lao động phải được cung cấp thông tin đầy đủ, về những rủi ro, những khoản kinh phí mà gia đình người tham gia phải trả. Xem xét lại cơ chế cấp giấy phép, chế độ kiểm tra, tăng cường lực lượng các cơ quan Nhà nước cho việc kiểm tra liên quan đến xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, cơ hội lao động ở nước ngoài, giấy tờ, luật pháp phải được công khai, minh mạch.
Cơ quan quản lý cần liệt kê tất cả các công ty tham gia ngành dịch vụ xuất khẩu lao động, buộc họ tuân thủ pháp luật để người dân đi lao động qua những công ty có trách nhiệm và phải đưa ra chế tài phạt thật nặng những cá nhân, tổ chức hoạt động môi giới xuất khẩu lao động vi phạm.
Chuyên gia Fushihara Hirota cho rằng, cần nâng cao điều kiện về cấp phép xuất khẩu lao động . Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, cung cấp thêm cho người dân các thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động.
Để hỗ trợ người lao động Việt Nam, Dự án Vết xe Hy vọng Việt Nhật (IEVJ) đã thực hiện các chương trình nội dung nhằm xây dựng môi trường tốt trước khi người lao động đi Nhật Bản. Trong đó, xây dựng lực lượng tình nguyện viên cơ động để cùng giúp người lao động Việt Nam gặp khó khăn và thiệt hại bởi những công ty trung gian. Tiếp theo là xây dựng bảng xếp hạng các công ty trung gian theo những tiêu chí và cách đánh giá khách quan và trung lập để giúp người lao động Việt Nam có kim chỉ nam để chọn các công ty trung gian.
Bên cạnh đó, IEVJ thực hiện các hoạt động truyền thông và cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực cho các lao động Việt Nam và các phụ huynh để năng cao trình độ và làm quen với cách thức bảo vệ quyền lợi và tương lai của mình.
Một điều quan trọng nữa là hỗ trợ xây dựng cơ hội phát triển nghề nghiệp ổn định và bền vững cho người lao động đi xuất khẩu lao động về đất nước của mình làm ăn, sinh sống. Theo ông Fushihara Hirota người lao động sau khi kết thúc hợp động lao động về nước cần có nhiều cơ hội để có việc làm, tạo việc làm, hoặc phát triển kinh doanh tại quê nhà của mình chính là yếu tố tạo nên ý nghĩa tích cực cho mối quan hệ giao lưu con người.
Với những yếu tố nêu trên, chuyên gia Fushihara Hirota cho biết, Dự án Vết xe Hy vọng Việt Nhật sẽ tích cực xem xét và thực hiện những biện pháp hỗ trợ các bạn cựu thực tập sinh và người lao động đi Nhật Bản về Việt Nam để có những cơ hội phát triển cuộc sống và nghề nghiệp thông qua các hoạt động kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Kiều Liên
(Còn nữa)