Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (09/01/1950 -09/01/2019) - Nhớ lại những lời Bác dạy 

Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển chúng ta có quyền tự hào rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh; được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng.

Trong bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm sâu sắc tới công tác giáo dục thế hệ trẻ, tư tưởng, lý luận và tình cảm của Người đã để lại những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay và mãi về sau. Người không chỉ nêu lên vai trò hết sức quan trọng của học sinh, sinh viên mà còn nhấn mạnh trọng trách khó khăn nhưng vinh quang của các em, đó là bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để làm được điều đó, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam cần cố gắng, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức sống; học để biết, học để làm, học để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên còn đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”, dạy dỗ trẻ nhỏ không thể theo cảm tính của người lớn, càng không phải là “cách thức giáo dục” giống như những hiện tượng xã hội mà báo đài, dư luận rầm rộ đưa tin… Không phải tất cả những gì mà người lớn chúng ta cho là đúng, là tốt thì đều đúng và tốt cho trẻ em. Chính vì thế, cần có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và kỹ lưỡng trong công tác giáo dục lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cả về tâm sinh lý cũng như ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh tác động đến trẻ nhỏ để tìm ra phương pháp dạy dỗ khoa học, hợp lý. Về vấn đề này, Bác đã nêu lên một luận điểm mang tính cốt lõi, đó là cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: “chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Tư tưởng tiến bộ đó của Người đã cho chúng ta nhận thấy giá trị quan trọng của công tác giáo dục nhi đồng nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung - sự nghiệp đó phải thực sự khoa học và nghiêm cách. Đây chính là kim chỉ nam hành động để các nhà giáo dục làm tốt hơn công tác giáo dục nhi đồng hiện tại và tương lai.

Đối với việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức - những thanh niên, sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, việc giáo dục đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định được con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lê-nin vĩ đại.

Học và Hành: Đối với học sinh, sinh viên nhiệm vụ đầu tiên là học, học tốt và học giỏi, học để thành người hữu ích xây dựng xã hội, kiến thiết đất nước. Bác nói: “Nhiệm vụ chính của thanh niên là học”, đồng thời Bác đặt vấn đề rõ ràng để giúp thầy giáo và sinh viên nghiên cứu: “Phải hiểu rõ học thế nào” Học cái gì? Học để làm gì?”. Tại Đại hội sinh viên lần thứ hai năm 1958, một lần nữa Bác nhắc lại và nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng dự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Bác còn nói: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Làm theo lời Bác dạy, học sinh sinh viên đang ra sức học tập, tích luỹ, nắm vững kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn để thực sự có trình độ chuẩn bị, tự tin vào đời, lập nghiệp nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Bác cũng căn dặn, nhắc nhở thanh niên, nhất là những đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh cần ghi nhớ lời di huấn của Lênin: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”, “người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên sinh viên chưa chăm chỉ học tập, còn hiện tượng chạy điểm, chạy bằng; một số thanh niên sinh viên mắc vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Thực trạng ấy đòi hỏi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam cần tăng cường định hướng giá trị, giáo dục và đồng hành với thanh niên trên con đường học tập và luyện rèn.

Bác dạy: học phải đi đôi với hành, Bác chỉ rõ tầm quan trọng của thực hành. Hành cũng chính là một nửa của học. Bác nói: “Chỉ biết lý luận (lý thuyết) mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy cho nên các cháu trong lúc học về lý luận thì cũng phải kết hợp với thực hành”, “lý luận phải gắn liền với thực tế”. Bác cũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Cần có lao động, lao động trí óc và lao động chân tay. Và cần lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại…”. 

Đức và Tài: Tại Đại hội Sinh viên lần thứ hai, ngày 7/5/1958, Bác nhấn mạnh hai phẩm chất hàng đầu của học sinh, sinh viên phải rèn luyện trong nhà trường là đức và tài. Sau này Bác còn dùng khái niệm hồng và chuyên. Đức và tài, hồng và chuyên phải đi đôi với nhau, song hành tồn tại cùng nhau trong một con người.

Về Đức, ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng. Bác giải thích đạo đức cách mạng rất giản dị, cụ thể: “Đạo đức cách mạng không phải là những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bác coi “đạo đức là cái gốc của người cách mạng” và Bác chỉ rõ cách thức phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa”, “Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn”. Sở dĩ Bác chỉ rõ cụ thể để mọi người hiểu thấu đáo nước ta xây dựng xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất chủ yếu là thủ công phân tán cùng với chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi là một lực cản lớn, hạn chế năng lực sáng tạo của tuổi trẻ. Bác coi trọng việc giáo dục thanh niên nói chung và thanh niên sinh viên nói riêng phải xoá bỏ chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tinh thần làm chủ. Đương nhiên xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xóa bỏ lợi ích cá nhân chính đáng mà là sự hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Phấn đấu làm việc ích nước lợi nhà. Bác nói: “Muốn sửa chữa chủ nghĩa cá nhân thì phải làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã. Ta có câu nói: “khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau. Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng sửa chữa khuyết điểm của mình”.

Về Tài, tức là năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được tích luỹ và phát huy tác dụng, đóng góp thiết thực, làm lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Bác mong muốn thanh niên sinh viên học tập, rèn luyện để thực sự có tài. Bác mong muốn xã hội có nhiều người tài và người tài đem hết tài năng, tâm huyết phục vụ xã hội.

Bác yêu cầu thanh niên sinh viên phải có đức, có tài nhưng Bác đặt đức trước tài, hồng trước chuyên. Bởi vì theo Bác, đạo đức cách mạng là cái gốc, cái nền. Bác nói: “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.

Lý tưởng và Tình yêu: Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và cho thanh niên sinh viên nói riêng là một trong những vấn đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Bác ân cần khuyên nhủ: “Chúng ta không một chút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”. Lý tưởng cách mạng đối với tuổi trẻ như ánh sáng mặt trời với sự sống, là sự gắn bó hữu cơ, là sự tự nguyện, tự giác, là sự đòi hỏi tự thân, nó thường trực, hướng tới: “Không một chút nào được quên”. Theo Bác, để thanh niên sinh viên có lý tưởng cách mạng, trước nhất phải giáo dục nhận thức để giác ngộ lý tưởng. Thanh niên sinh viên là nhân vật trung tâm của nhà trường, hoạt động chính của thanh niên sinh viên là học tập. Vì thế giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên sinh viên trước hết là thông qua hoạt động học tập nhằm giúp cho họ tự trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Học để phụng sự ai? Đương nhiên lý tưởng sống của thanh niên sinh viên không chỉ dừng lại ở nhận thức, ý thức và quan niệm, mà phải được tôi rèn trong thực tiễn học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tế, phải thành hành động, thông qua hành động, và hiệu quả của hành động. Bác dạy: “Điều gì phải thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”. Học để làm người cách mạng, học để phụng sự nhân dân là như thế. Giác ngộ lý tưởng vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội và thực hiện lý tưởng cao đẹp đó bằng tình cảm, trí tuệ, tài năng, ý chí và nhiệt tình của tuổi trẻ lấy phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân là lẽ sống cao quý của mình, đó chính là giá trị nhân cách của tuổi trẻ, là mục tiêu phấn đấu trở thành người trí thức cách mạng của thanh niên sinh viên hiện nay.

Về tình yêu: Khái niệm tình yêu mà Bác dạy hàm nghĩa rộng, nhưng rất thiết thực và Bác giải thích rất kỹ càng, cụ thể khi Bác nói tại Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ hai: (1) Yêu Tổ quốc; (2) Yêu nhân dân; (3)Yêu chủ nghĩa xã hội; (4) Yêu lao động; (5) Yêu khoa học; (6) Yêu kỷ luật.

Tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác huấn thị các học viên 7 điều phải và 6 điều chống: (1) Phải yêu Tổ quốc yêu nhân dân; (2) Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn; (3) Phải yêu và trọng lao động; (4) Phải giữ gìn kỷ luật; (5) Phải bảo vệ của công; (6) Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân; (7) Phải chú ý đến tình hình thế giới. 6 điều chống là: (1) Chống tâm lý tự ti tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình; (2)Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc; (3) Chống thói xem khinh lao động; (4) Chống lười biếng, xa xỉ; (5) Chống sinh hoạt uỷ mị; (6) Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang. Bác nói rõ, xây đi liền với chống, yêu đi liền với ghét: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Di huấn của Bác Hồ kính yêu cho học sinh sinh viên Việt Nam cũng là di huấn cho thế hệ trẻ Việt Nam, đó là tình cảm, là tư tưởng, là lời dạy, là định hướng cho lớp người sẽ làm chủ tương lai của đất nước. Hoàng Anh Tuấn

846 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1023
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1023
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87187108