Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong 18 ngày 

(ĐCSVN) – Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về hình thức họp, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị Kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Sáng ngày 14/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tổng kết Kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 (Ảnh: quochoi.vn) 

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về hình thức họp, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị Kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Theo đó, dự kiến đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày. Trong đợt 1, Quốc hội họp phiên trù bị, khai mạc; nghe trình bày các tờ trình, báo cáo (kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; 04 dự án luật trình cho ý kiến); thảo luận 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình thông qua; thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2.

Đợt 2 họp tập trung 9 ngày. Trong đợt 2, Quốc hội thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (năm 2020, 2021 và 5 năm 2016-2020); thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; thảo luận 04 dự án luật trình cho ý kiến.

Quốc hội cũng sẽ quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội tiến hành thông qua luật, nghị quyết và phiên bế mạc.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 18 ngày. Trong đó, đợt 01 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 19/10 (trước 01 ngày so với quy định để tăng khoảng cách thời gian giữa 02 đợt) và kết thúc ngày 28/10; đợt 02 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 03/11 và kết thúc ngày 12/11 (bế mạc kỳ họp).

Theo dự kiến nội dung, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội sẽ thảo luận lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét thông qua 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết, gồm: dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp  đồng (sửa đổi); dự án Luật Biên phòng Việt Nam; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (theo quy trình tại một kỳ họp)./.

 
Tú Giang
263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 803
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 803
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87151287