Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, chức danh Trưởng các Ban HĐND tỉnh là đại biểu HĐND tỉnh có thể hoạt động chuyên trách. Ở các nhiệm kỳ trước của HĐND tỉnh Quảng Trị, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh chủ yếu là Trưởng các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy - là đại biểu HĐND tỉnh kiêm nhiệm. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Quảng Trị có 4 Ban thì có 2 Trưởng Ban hoạt động chuyên trách (gồm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách và Trưởng Ban Pháp chế) nên các hoạt động của Ban HĐND tỉnh có Trưởng ban chuyên trách có phần chủ động, chuyên sâu hơn.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị khảo sát thực địa một công trình điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Ảnh: Mai Linh
Khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra đời, vai trò của đại biểu HĐND chuyên trách trong các hoạt động của HĐND ngày càng được quan tâm và chú trọng. Những quy định của Luật đã trao cho Thường trực, các Ban của HĐND nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, điều đó đồng nghĩa với trao cho đại biểu chuyên trách của HĐND nhiều trách nhiệm hơn trước HĐND, cử tri và nhân dân địa phương. Qua thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị nhận thấy, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ đại biểu chuyên trách, ngày càng góp phần nâng cao vị thế quyền lực của HĐND.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cường độ nghiên cứu, nắm bắt, chọn lọc thông tin của đại biểu chuyên trách khá sâu mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra của mật độ khá dày việc tổ chức kỳ họp HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND. Trước các kỳ họp, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND được chuẩn bị kỹ lưỡng, tính phản biện cao. Tại các kỳ họp, phiên họp Thường trực HĐND, vai trò của đại biểu chuyên trách được thể hiện rõ, có chính kiến cụ thể khi tham gia thảo luận và biểu quyết để quyết định cũng như giám sát các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Đại biểu chuyên trách sớm tiếp cận các văn bản kỳ họp, dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung cho hoạt động chất vấn và thảo luận; đồng thời không e ngại, né tránh thể hiện quan điểm, chính kiến.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh ngày càng tăng quy mô số lượng. Chỉ riêng năm 2021 - 2022, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức giám sát, khảo sát và ban hành 10 kết luận giám sát chuyên đề. Các kết luận giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách do HĐND ban hành. Việc phát hiện các khó khăn, hạn chế đó chủ yếu đến từ các đại biểu hoạt động chuyên trách.
Thống nhất chức danh Trưởng các Ban HĐND tỉnh chuyên trách
Có thể khẳng định, đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách có vai trò rất quan trọng, đóng góp tích cực vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, việc cơ cấu Trưởng ban HĐND tỉnh kiêm nhiệm sẽ khó nâng cao được chất lượng hoạt động của Ban HĐND đó, vì Trưởng ban bận nhiều việc, chủ yếu giao việc lại cho Phó Trưởng ban chuyên trách nhưng do thẩm quyền nên Phó Trưởng ban sẽ bị động, dẫn đến hoạt động của Ban không chuyên sâu, lúng túng và thiếu kịp thời.
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đề xuất có sự thống nhất trong toàn quốc về chức danh Trưởng các Ban HĐND tỉnh là đại biểu HĐND chuyên trách để hoạt động của HĐND và các Ban của HĐND thuận lợi hơn. Đồng thời, kiến nghị Trung ương cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương khi làm nhân sự đại hội Đảng bộ có cơ cấu ít nhất 50% Trưởng các Ban HĐND tỉnh tham gia cấp ủy cùng cấp để nâng cao uy tín, vai trò, vị trí của các Ban HĐND và có điều kiện tham gia, tiếp cận sớm các chủ trương của Đảng để cụ thể hóa thành nghị quyết của HĐND cùng cấp.
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND trong công tác xét tặng thi đua, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp trong hoạt động của HĐND; quy định và hướng dẫn cụ thể chính sách đãi ngộ với đại biểu HĐND chuyên trách như tăng phụ cấp, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù... để thu hút cán bộ giỏi về công tác chuyên trách tại HĐND.