Theo Bộ trưởng Ali Allawi, thâm hụt ngân sách của Iraq - Nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) năm 2021 được dự đoán ở mức 71.000 tỷ dinars (49 tỷ USD).
Ông Ali Allawi cho biết Iraq có thể đề xuất vay lãi suất thấp thêm 4 tỷ USD thông qua một chương trình khác liên quan tới kế hoạch cải cách của Chính phủ.
Trong khi đó, khoản viện trợ của IMF chỉ có thể bù đắp một phần thâm hụt. Năm ngoái, Chính phủ Iraq đã vay hơn 25 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương để chi trả tiền lương tại khu vực công và đáp ứng các yêu cầu tài chính khác.
Trong một tuyên bố, đại diện IMF cho biết: "Chính quyền Iraq đã đề nghị được nhận gói hỗ trợ khẩn cấp thông qua Công cụ Hỗ trợ Tài chính nhanh (RFI) và bày tỏ ý định sẽ đề nghị về một gói hỗ trợ nhằm thực hiện kế hoạch cải cách".
Công cụ RFI cung cấp các gói hỗ trợ tài chính nhanh cho các quốc gia thành viên cần thanh khoản khẩn cấp. Các gói hỗ trợ thông qua công cụ này không yêu cầu các nước có chương trình cam kết đầy đủ.
Theo Bộ trưởng Allawi, Chính phủ Iraq cũng đang lên kế hoạch các phương thức cấp vốn khác nhằm thu hẹp lỗ hổng ngân sách. Ngay khi kế hoạch ngân sách được thông qua, Chính phủ Iraq sẽ phát hành trái phiếu trong nước trị giá 5 tỷ USD nhằm mở rộng nền tảng tài chính.
Nền kinh tế Iraq hiện đang rơi vào khủng hoảng kể từ khi giá dầu thế giới lao dốc do tác động của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Tài chính Ali Allawi cho biết, thâm hụt ngân sách của Iraq có thể thu hẹp xuống còn 25% trong năm nay nếu giá dầu duy trì ở mức hiện tại 55USD/thùng.
IMF dự đoán, nền kinh tế Iraq suy giảm 12% trong năm 2020, nhiều hơn bất kỳ một thành viên OPEC nào khác. Điều này đồng nghĩa, thâm hụt ngân sách của quốc gia này tương đương 22% tổng sản phẩm thu nhập quốc nội (GDP) năm vừa qua./.
Hoài Hà (Theo Bloomberg, imf.org)