Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này, Tổng thống theo đường lối ôn hòa của Iran Hassan Rouhani đã bày tỏ mong muốn đối thoại với các nước liên quan để đưa ra biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, nhiều quan chức của Iran đã kêu gọi chính phủ hành động mạnh mẽ hay thậm chí từ bỏ bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015.

Nghị sỹ Mojtaba Zonnour – người đứng đầu Ủy ban Hạt nhân của Quốc hội Iran cho biết, bản kiến nghị được đưa ra ngày 9/5 kêu gọi chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani cần có được “những sự bảo đảm cần thiết” từ các bên còn lại tham gia bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).  Ông Zounnour cho rằng, nếu như các bên còn lại tham gia JCPOA gồm: Đức, Anh, Nga, Trung Quốc và Pháp không thể đưa ra sự bảo đảm này, thì Iran cần nối lại các hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ cao.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 9/5 quyết định rời khỏi JCPOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt chống Iran là một hành động vi phạm bản thỏa thuận và có thể khiến nước Mỹ bị cô lập. Quan chức từng giữ vị trí trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran này nhấn mạnh, trừ khi châu Âu, Nga, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống bị bỏ lại sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, thì Iran sẽ khiến Tổng thống D.Trump phải trải nghiệm sức mạnh hạt nhân của nước này. Ông Larijani kêu gọi Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) cần duy trì trạng thái hoàn toàn sẵn sàng để có thể nối lại toàn bộ các hoạt động hạt nhân và đưa ra phản ứng sau khi kết thúc vòng đối thoại giữa Bộ Ngoại giao Iran và các nước châu Âu.

Ông Larijani cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, thì Iran không có cam kết nào…Bản thân tôi cũng không chắc rằng liệu các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA có thực hiện đầy đủ các cam kết của họ hay không”. Chính vì thế, người dân Iran cần sát cánh bên nhau để cùng ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra.

Nghị sỹ Ali Mottahari cũng bày tỏ quan điểm thận trọng rằng, các nước châu Âu sẽ chỉ có một “cơ hội hạn chế” để mang lại một “sự bảo đảm vững chắc” cho phép Iran tiếp tục duy trì JCPOA. Và nếu kịch bản này xảy ra thì Iran sẽ đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân, hoặc là thực hiện các “biện pháp khác”.

Thiếu tướng Mohammad Baqeri – người đứng đầu các lực lượng vũ trang Iran nhận định, kẻ thù đang châm ngòi một cuộc chiến tranh kinh tế để rốt cuộc có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran. “JCPOA không phải là một sự lựa chọn thuận lợi cho đất nước chúng ta và là điều mà đáng lẽ ra chúng ta không nên chấp nhận, song chúng ta đã chấp nhận điều này như một thông điệp tới toàn thế giới. Tuy nhiên, một cường quốc (Mỹ) thậm chí đã không giữ được những điều đã từng đặt bút ký kết” – ông Baqeri nói.

Trong bài phát biểu trước người dân Iran ngày 9/5, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran - Ali Khamenei cũng đã cảnh báo về khả năng rời khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu như lợi ích quốc gia của Iran không được bảo vệ. ÔngKhamenei lên án Mỹ rút khỏi JCPOA cho dù Iran đã tuân thủ đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận này. Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran cho rằng, ông không còn đặt niềm tin vào các nước châu Âu và nếu như không có sự bảo đảm lợi ích cho Iran, thì bản thỏa thuận này không thể tiếp tục được duy trì./.

Thu Lan (Theo PressTV, NHK)