Huyết mạch của nền kinh tế phải thông suốt trong mọi hoàn cảnh 

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những thách thức, biến động khó lường, ngân hàng là một trong những ngành tiên phong, thích ứng nhanh với mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, tiếp tục bảo đảm vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Chủ động chia sẻ khó khăn trợ lực DN

 
 

Năm 2020 là một năm đi vào lịch sử thế giới với những thách thức chưa từng có. Dịch bệnh COVID-19 đã và đang lan rộng trên thế giới là một cú sốc lớn đối với hoạt động xã hội, kinh tế của toàn thế giới, gây ra nhiều khó khăn và hệ lụy cho các doanh nghiệp (DN) và các quốc gia. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 

 

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú. Ảnh:VGP.

 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch trên thế giới, lãnh đạo NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng vay vốn, xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng bám sát thực tế để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo cơ sở pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và DN giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các TCTD tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
 
 

“Chúng tôi đã quyết liệt chỉ đạo TCTD tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách quy trình thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng”, ông Đào Minh Tú nói.

 

NHNN cũng thực hiện một loạt điều chỉnh khác như: Tăng mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, ra Thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc…

 
 

Lãnh đạo NHNN toả đi các nơi đối thoại ngân hàng-DN trên tất cả sáu vùng kinh tế trọng điểm của cả nước để lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN, hiệp hội DN, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với các DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh COVID-19. 

 
 

Chính sự vào cuộc sớm, chủ động và quyết liệt của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi, cầu tín dụng bắt đầu tăng. Năm 2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%). Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời. 

 
 

Đặc biệt, tất cả các TCTD (kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài) đều vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn nội lực tài chính của mình thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

 

Đến nay, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

 

Thậm chí, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng. 

 
 

Đối với cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động, NHCSXH đã thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 20,72 tỷ đồng cho 137 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 5.200 người. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng đã hạ lãi suất 5 lần, với tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng. Còn theo lãnh đạo VietinBank, ngân hàng này chủ động cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng từ việc giảm lãi suất cho vay, phí và thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

 
 

Đáng chú ý, các giải pháp ngành ngân hàng triển khai như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ không dùng ngân sách mà được thực hiện bằng chính nguồn lực của các TCTD Các ngân hàng đã phải tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận kinh doanh, thực hiện đúng “tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chia sẻ khó khăn giúp giảm áp lực cho DN trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để DN tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.  

 
 

Giữ hệ thống ổn định, đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế

 
 

Giai đoạn 2015-2020, nền kinh tế Việt Nam có thế và lực thuận lợi nhờ kế thừa thành tựu 30 năm Đổi mới khi những nỗ lực cải cách cơ cấu kinh tế bắt đầu đơm hoa, kết trái. Tuy nhiên, khó khăn cũng chất chồng do nhiều nguyên nhân như xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu... 

 
 

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, DN, kinh tế trong nước đã đạt được những thành tựu quan trọng: Nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; xuất siêu 5 năm liên tiếp trong bối cảnh thương mại quốc tế giảm mạnh; duy trì tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2016-2019 (bình quân 6,8%/năm) và đặc biệt là năm 2020 đạt gần 3%, là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương và gần như cao nhất trong khu vực, niềm tin vào VND được củng cố; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên... 

 
 

Có thể nói, những dấu ấn kinh tế nổi bật đó có sự đóng góp hết sức tích cực, quan trọng của hệ thống ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế.

 

 


Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra nguyên nhân, trước tiên, là hiệu quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ ngày càng nâng cao. NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Cùng với đó, tín dụng ngày càng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. NHNN kiên định điều hành lãi suất trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân bằng lợi ích của người đi vay và người gửi tiền; ổn định tỉ giá, giữ vững giá trị đồng Việt Nam; thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng ổn định, thông suốt.
 

“Sức khoẻ” hệ thống TCTD nhờ NHNN triển khai các biện pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu có bước đột phá cơ bản trên cơ sở phát hiện và hoàn thiện những “nút thắt” trong khung pháp lý hiện hành.

 

Vào những thời điểm khó khăn nhất, khi hàng nghìn DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch than khó, ngành ngân hàng vào cuộc quyết liệt hạ lãi suất, gia hạn khoản vay, miễn giảm lãi hỗ trợ DN, người dân bị thiệt hại. Nhưng ngay cả những lúc đó, lãnh đạo NHNN vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm, ”không hạ chuẩn cho vay”.

 

Dù các TCTD cũng bị ảnh hưởng lớn do DN gặp thách thức không kém nhưng vẫn nỗ lực duy trì chất lượng tín dụng. Tại một cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, khi được hỏi về vấn đề này, lãnh đạo NHNN đã tái khẳng định, “nếu hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các TCTD sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây”.

 

Nhờ quan điểm nhất quán từ các cấp lãnh đạo đến vai trò thẩm định có trách nhiệm cao của các TCTD, đến cuối năm 2020, sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD được giữ vững, hầu hết TCTD đạt tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật (khoảng 11,65%); năng lực tài chính các TCTD được củng cố, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỉ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì dưới 3%, quy mô hệ thống TCTD tiếp tục tăng, năng lực quản trị, điều hành của TCTD từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. hệ thống thanh toán điện tử đã tận dụng "nghịch cảnh" để đẩy mạnh phát triển, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" đã đề ra. Hệ thống  được kiểm soát và vận hành an toàn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiến bộ vượt bậc. NHNN đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Nhiều công nghệ mới, hiện đại như thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh được phổ cập. Đồng thời, thanh toán ngân hàng được đẩy mạnh đối với các dịch vụ công, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

 
 

Dấu ấn đáng chú ý là công tác cải cách hành chính (CCHC) được NHNN đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, nhờ đó trong 5 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2020, NHNN đã được Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ xếp thứ nhất, dẫn đầu về chỉ số PAR-Index, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đúc kết 3 nguyên nhân giúp NHNN thành công, đó chính là: Chất lượng thể chế; đội ngũ, khả năng đào tạo tập huấn và thái độ hành động đúng, thống nhất.

 

Ngân hàng “Nhà nước” lại luôn có tư duy phục vụ nhân dân, do đó, ngành ngân hàng phải luôn tiên phong đẩy mạnh cải cách hành chính.

 

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 - một giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong bối cảnh khó khăn, ngành ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.

 

Bước sang giai đoạn 2021-2025, ngành ngân hàng phấn đấu nỗ lực không chỉ vượt qua chính mình mà còn nâng cao vị thế của ngành ngân hàng trên trường quốc tế.

 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng tiếp tục kiên định mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đặt ra, theo hướng hiện đại hóa NHNN và phát triển hệ thống các TCTD hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phấn đấu đạt trình độ của các nước đứng đầu trong khu vực. Toàn ngành xác định sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.

 

“Với tinh thần chủ động, tích cực, đồng bộ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, chúng tôi tin tưởng năm 2021 nói riêng và giai đoạn 2021-2025 nói chung, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần tích cực hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

 
 

Anh Minh

166 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1083
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1083
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87095276