Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã được triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng. Đây là cơ sở để khẳng định phong trào TDĐKXDĐSVH đã đi đúng hướng, hợp ý Đảng, lòng dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh có 195/195 làng, bản, khóm, khu phố đăng ký xây dựng văn hóa (100%), 183/195 làng, bản, khóm, khu phố đạt danh hiệu văn hóa (94%). Có 04 làng, 01 cơ quan xuất sắc đề nghị tỉnh khen thưởng; có 05 làng, 05 cơ quan, đơn vị tiêu biểu đề nghị UBND huyện khen thưởng.
Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Vĩnh Linh đã xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động, phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các địa bàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; triển khai thực hiện đồng đều các nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”...
Thông qua các phong trào thi đua, huyện đã xây dựng được gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để động viên và tôn vinh người tốt, việc tốt, cá nhân điển hình tiên tiến, huyện đã xây dựng và duy trì giải thưởng “Bông Sen hồng”, hàng năm được trao cho học sinh, sinh viên học giỏi, cán bộ, nhân viên các tổ chức kinh tế - xã hội có sáng kiến trong học tập và công tác.
Công tác tuyên truyền, vận động đăng ký xây dựng gia đình văn hoá được BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Vĩnh Linh quan tâm. Đến nay, số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá là 25.425/26.104 hộ đạt tỷ lệ 97%. Số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá là 23.431/26.104 hộ đạt 90% tổng số hộ gia đình toàn huyện. Ban công tác Mặt trận các khu dân cư đã tiến hành thực hiện tốt việc bình xét gia đình văn hoá đảm bảo công khai, dân chủ, bám sát tiêu chuẩn nên chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng được nâng lên. Việc bình chọn gia đình văn hoá, làng bản, khóm phố văn hoá được tiến hành trong năm và lưu giữ kết quả bằng văn bản để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận gia đình văn hoá 03 năm theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL, ngày 10/10/2011, của Bộ VHTTDL và Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND, ngày 24/6/2013, của UBND tỉnh Quảng Trị.
Các đoàn thể trong hệ thống chính trị đã thực sự quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hoá và xem đây là việc làm thường xuyên của tổ chức mình. Đến nay, đã hình thành trên 30 câu lạc bộ liên quan đến công tác gia đình như: Câu lạc bộ "phòng chống bạo lực gia đình", câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" của Hội phụ nữ, câu lạc bộ "Gia đình trẻ" của đoàn thanh niên; phong trào "Tuổi cao gương sáng", "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo" của Hội Người cao tuổi...
Phong trào xây dựng làng, bản, khóm phố văn hoá là kết quả tổng hợp của nhiều phong trào, thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng, huy động nguồn lực to lớn của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong năm 2017, đã xét công nhận lại cho 04 làng, bản, khóm, khu phố; công nhận lần đầu cho 04 làng, bản. Đến nay, toàn huyện có 195/195 làng, bản, khóm, khu phố đăng ký xây dựng văn hóa, 183/195 làng, bản, khóm, khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Có 04 làng, 01 cơ quan xuất sắc đề nghị tỉnh khen thưởng và 05 làng, 05 cơ quan, đơn vị tiêu biểu đề nghị UBND huyện khen thưởng.
Việc xây dựng đơn vị văn hóa được huyện đẩy mạnh thực hiện. Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đã cụ thể quy ước xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá thành các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, môi trường làm việc có văn hóa, phong cách làm việc khoa học. Tính đến nay, có 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng và đã được công nhận đơn vị văn hoá (67/67 trường học, 52/52 cơ quan ban ngành trên toàn huyện).
Thực hiện Thông tư 17/2011/TT-BVHTTDL, ngày 02/12/2011, của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 09/5/2012, của Tỉnh ủy Quảng Trị “về việc đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH huyện đã chỉ đạo lồng ghép việc phát động xây dựng xã nông thôn mới với đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; đồng thời chú trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện phong trào; phân công thành viên phụ trách từng xã thực hiện tốt các nội dung tiêu chuẩn. Đến nay, đã có 19/19 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 14 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
BCĐ huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cơ sở; bảo tồn, phát huy các giá trị và di sản văn hóa.
Để tiếp tục vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Vĩnh Linh, lãnh đạo huyện đã đưa ra các giải pháp trọng tâm, đó là:
- Tiếp tục tuyên truyền và triển khai sâu rộng nội dung các phong trào thi đua, tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng làng văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá, chiến lược phát triển văn hoá, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đến từng người dân.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Văn hoá thông tin và Uỷ ban Mặt trận các cấp. Nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo phong trào một cách sát đúng với thực tiễn.
- Cụ thể hoá các tiêu chí “gia đình văn hoá, làng bản, khóm phố văn hoá” thành các phong trào thi đua trong từng đoàn viên, hội viên.
- Tổ chức hội nghị biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc vào dịp kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về gia đình và công tác gia đình của các thành viên trong cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
- Bằng các nguồn lực tổng hợp và cách làm sáng tạo để thu hút mọi người dân tham gia tích cực phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng các thiết chế văn hoá. Chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống.
Tóm lại, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của các ban, ngành, đoàn thể cấp trên, nội dung của việc xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Vĩnh Linh còn tùy thuộc vào tình hình thực tế ở từng địa phương mà các cấp lãnh đạo lựa chọn những hình thức thích hợp, từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhằm đạt được kết quả tốt trong quá trình thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện. Nguyễn Đức Thông